Tầng Ozon là gì? Vai trò của tầng Ozon đối với sự sống như thế nào? Hiện trạng tầng Ozon hiện nay ra sao? Để giải đáp những thắc mắc này, cũng như có thêm nhiều thông tin về tầng Ozon, mời bạn cùng Oreka tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Tầng Ozon là gì?
Tầng Ozon là một khu vực trong tầng bình lưu của Trái Đất, đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ đến 99% các bức xạ cực tím (UV) từ Mặt Trời. Mặc dù nồng độ Ozon tại đây cao hơn so với các phần khác của khí quyển, nhưng nó vẫn nhỏ hơn nhiều so với các loại khí khác trong tầng bình lưu.
Tầng Ozon hoạt động như một lá chắn bảo vệ của khí quyển Trái Đất, ngăn chặn phần lớn các tia cực tím có hại từ Mặt Trời. Nhờ có tầng Ozon, bề mặt Trái Đất và các sinh vật sống được bảo vệ khỏi tác hại của các bức xạ nguy hiểm này, giúp duy trì sự sống và sức khỏe của các hệ sinh thái.
Đọc thêm: Kinh Tế Xanh Là Gì? 5 Nguyên Tắc Của Nền Kinh Tế Xanh
Vai trò của tầng Ozon là gì?
Mặc dù chỉ là một lớp màng mỏng bao bọc xung quanh trái đất nhưng tầng Ozon lại có chức năng vô cùng quan trọng.
Bảo vệ sự sống trên trái đất
Vai trò của tầng ozon đối với con người và sự sống trên trái đất như thế nào? Như đã đề cập trong phần trước đó, tầng Ozon đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn các tia cực tím có hại từ mặt trời xuống trái đất. Trong khi đó, tia cực tím UV là một nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư da, đục thủy tinh thể mắt, làm suy giảm sản lượng lương thực, v.v.
Tại các vùng cận xích đạo và xích đạo, chỉ số tia cực tím rất cao nếu không có sự bảo vệ của tầng Ozon thì sẽ gây ra nhiều hệ quả rất nghiêm trọng.
Duy trì khí hậu
Các nhà khoa học cho biết, sự suy giảm hoặc thủng tầng Ozon gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình thời tiết, khí hậu. Do đó, tầng Ozon có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì tính ổn định khí hậu của Trái đất.
Hiện trạng tầng Ozon hiện nay
Năm 1985, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những thủng lớn trên tầng Ozon ở phía các vùng cực. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một loại hóa chất được sử dụng bình xịt, vật liệu đóng gói và tủ lạnh – Chlorofluorocarbons (CFC).
Đến năm 1989, chất CFC được cấm sử dụng, nhờ đó giúp nồng độ Ozon được phục hồi trở lại.
Tại vùng cực, lượng Ozon khá hạn chế, do đó, khi không khí lạnh tạo ra các đám mây tầng bình lưu vùng cực càng làm giảm lượng Ozon. Vào những tháng mùa đông ở mỗi bán cầu sẽ tiếp tục hình thành các lỗ hổng trong tầng Ozon.
Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung Châu Âu – bà Antje Inness cho biết, “Lỗ thủng tầng Ozon năm 2023 đã bắt đầu sớm và phát triển nhanh chóng kể từ giữa tháng 8”. Bà cũng cho biết đây là một trong những lỗ hổng lớn nhất từ trước đến nay.
Các nhà nghiên cứu cho biết, đây có thể là hậu quả từ vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai ở dưới nước gây ra. Sức mạnh của vụ phun trào này có sức công phá hơn 100 quả bom ở Hiroshima, và tạo ra đợt phun trào cao nhất.
Có khoảng hơn 50 triệu tấn nước được phóng lên tầng trên của bầu khí quyển, làm tăng thêm 10% nước trong khí quyển. Tháng 8/2022, các nhà nghiên cứu cảnh báo, vụ phun trào này có thể phá hủy tầng Ozon giống như cách CFC đã từng làm.
Mặc dù đây là một trong lỗ thủng lớn nhất, nhưng rất may chúng xuất hiện ở khu vực không có người sinh sống và có thể đóng lại trong những tháng tới. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho biết, nếu CFC duy trì ở mức thấp, tầng Ozon sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2050.
Tìm hiểu: Thực Trạng Và Giải Pháp Hạn Chế Tình Trạng Hiệu Ứng Nhà Kính
Hậu quả của việc suy giảm tầng Ozon
Mặc dù, các lỗ hổng tầng Ozon đang xuất hiện tại các khu vực không có người sinh sống, tuy nhiên, chúng ta vẫn cần cảnh giác trước những hậu quả từ suy giảm của tầng Ozon.
- Làm cho nền nhiệt trái đất tăng lên, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, chẳng hạn như bão lũ, cháy rừng, băng tan, v.v.
- Khả năng ngăn chặn tia UV giảm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
- Sự suy giảm tầng Ozon làm hủy hoại các sinh vật nhỏ, đặc biệt là sinh vật biển. Lượng bức xạ UV tăng lên làm tăng các phản ứng hóa học trong khí quyển, dẫn đến khói mù và mưa axit, gây hại cho thực vật và làm giảm năng suất cây trồng.
Quy định của Chính phủ về hoạt động bảo vệ tầng Ozon
Từ hiện trạng tầng Ozon đòi hỏi chúng ta cần nhanh chóng tìm ra giải pháp bảo vệ hiệu quả tầng Ozon. Trong phần này, Oreka sẽ chia sẻ đến bạn các quy định của Chính phủ về hoạt động bảo vệ tầng Ozon tại nước ta.
Lộ trình kiểm soát, loại trừ các chất làm suy giảm tầng Ozon
Tại Nghị định số 6/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định các chất là nguyên nhân gây suy giảm, ảnh hưởng đến tầng Ozon bao gồm:
- Bromochloromethane
- Carbon tetrachloride (CTC)
- Chlorofluorocarbon (CFC)
- Halon
- Hydrobromid Fluorocarbon (HBFC)
- Hydrochlorofluorocarbon (HCFC)
- Methyl bromide
- Methyl chloroform
Khoản 2 Điều 2 của Nghị định quy định lộ trình quản lý, các chất này như sau (loại trừ các chất HCFC).
“a) Giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt quá 65% mức tiêu thụ cơ sở;
b) Giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2029: tổng lượng tiêu thụ quốc gia không vượt quá 32.5% mức tiêu thụ cơ sở;
c) Giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2030 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2039: tổng lượng tiêu thụ quốc gia trung bình hằng năm không vượt quá 2.5% mức tiêu thụ cơ sở;
d) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2040: cấm nhập khẩu và xuất khẩu các chất HCFC.”
Đăng ký, báo cáo các chất được kiểm soát
Điều 24, Nghị định 6/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định như sau:
“1. Đối tượng phải đăng ký sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu; sản xuất, nhập khẩu, sở hữu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ các chất được kiểm soát; thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát (sau đây gọi chung là tổ chức sử dụng các chất được kiểm soát), bao gồm:
- Tổ chức có hoạt động sản xuất chất được kiểm soát;
- Tổ chức có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chất được kiểm soát
- Tổ chức sở hữu thiết bị có chứa chất được kiểm soát: máy điều hòa không khí có năng suất lạnh danh định lớn hơn 26.5kW (90.000 BTU/h) và có tổng năng suất lạnh danh định của các thiết bị lớn hơn 568 kW (2.000.000 BTU/h); thiết bị lạnh công nghiệp có công suất điện lớn hơn 40 kW;
- Tổ chức thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát.”
Thu gom, tái chế và xử lý các chất được kiểm soát
Khoản 1 Điều 28 của Nghị định này quy định các nguyên tắc yêu cầu các tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sở hữu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ các chất được kiểm soát, việc thực hiện các hành động thu gom, tía chế và xử lý các chất này như sau:
“1. Tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát; sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 24 Nghị định này thực hiện việc thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát theo nguyên tắc sau:
- Bắt buộc thực hiện thu gom các chất được kiểm soát khi không còn sử dụng trong thiết bị, sản phẩm từ ngày 01/01/2024;
- Khuyến khích thực hiện tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát sau khi thu gom;
- Trường hợp không thực hiện tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát, tổ chức phải xử lý để tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại;
- Thực hiện báo cáo việc sử dụng các chất được kiểm soát hàng năm theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định này.”
Tìm hiểu: Thực Trạng Sử Dụng Năng Lượng Sinh Khối Tại Việt Nam Và Trên Thế Giới
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ về vai trò của tầng Ozon mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn hữu ích về chủ đề này.
Nếu bạn có thêm bất kỳ đóng góp nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.