Thời tiết cực đoan là gì? Đâu là nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan? Làm thế nào để giảm thiểu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan? Để hiểu hơn về chủ đề này, mời bạn cùng Oreka tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
- Hiện tượng thời tiết cực đoan là gì?
- Các hiện tượng thời tiết cực đoan thường gặp
- Biểu hiện của sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước ta là gì?
- Nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan là gì?
- Hậu quả từ những hiện tượng thời tiết cực đoan như thế nào?
- Làm thế nào để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ các hiện tượng thời tiết cực đoan?
- Các hiện tượng thời tiết cực đoan nghiêm trọng tại Việt Nam năm 2023
- Tạm kết
Hiện tượng thời tiết cực đoan là gì?
Thời tiết cực đoan được hiểu là các hiện tượng thời tiết xảy ra đột ngột, không theo quy luật, bất thường và gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến con người và sinh vật trên trái đất.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan thường gặp
Các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể kể đến như:
Bão
Bão thường được hình thành trên vùng biển nhiệt đới ở bắc bán cầu. Đây là một xoáy thuận nhiệt đới, được cấu trúc bởi khối khí nóng ẩm với dòng thăng rất mạnh xung quanh mắt bão. Bão sẽ tạo nên một hệ thống mây và mưa xoáy vào vùng trung tâm. Vùng gió xoáy này có thể có đường kính lên tới hàng trăm km, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan và nguy hiểm cho các khu vực mà nó đi qua.
Trung bình mỗi năm Việt Nam ghi nhận từ 4 – 6 cơn bão đổ bộ vào đất liền, mùa bão bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 11.
Lũ quét
Đây là một hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra nhiều ám ảnh cho người dân vùng cao, bởi sức tàn phá nghiêm trọng của nó.
Lũ quét thường xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết mạnh kèm theo bùn đá, chúng lên xuống rất nhanh và có sức tàn phá lớn.
Mỗi năm, nước ta xuất hiện hàng trăm đợt lũ quét khác nhau, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc như Sa Pa, Bát Xát thuộc tỉnh Lào Cai, và gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Nóng bức
Năm 2023, nước ta ghi nhận những đợt nắng nóng kỷ lục lên đến 44.2 độ C tại Tương Dương (Nghệ An). Nắng nóng kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, như thiếu nước sinh hoạt và trồng trọt, xâm nhập mặn nghiêm trọng, hạn hán, v.v.
Mưa giông
Các cơn mưa giông bất chợt kèm theo giông lốc, gió mạnh, lượng mưa lớn, mưa đá, lốc xoáy, v.v, gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống con người.
Mưa axit
Hiện tượng mưa axit xảy ra do không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các khí NO, SO2. Chúng làm giảm độ pH xuống mức thấp làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài sinh vật, ăn mòn các công trình kiến trúc, v.v.
Đọc thêm: Xâm Nhập Mặn Là Gì? Thực Trạng Và Đề Xuất Giải Pháp Cải Thiện
Biểu hiện của sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước ta là gì?
Biểu hiện của sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước ta là số cơn bão mạnh có xu hướng tăng và thất thường.
Nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan là gì?
Các nhà khoa học khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan là do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu gây ra một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như những đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán, bão lũ nghiêm trọng, v.v.
Các hoạt động của con người đã và đang làm tăng lên lượng khí thải nhà nhà kính, làm gia tăng nhiệt độ của trái đất. Điều này làm thay đổi chu trình nước, đặc điểm thời tiết, và làm bằng tan, tất cả những ảnh hưởng này làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trầm trọng.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố năm 2021, sự gia tăng của khí nhà kính do con người gây ra đã làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Hậu quả từ những hiện tượng thời tiết cực đoan như thế nào?
Các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho con người và môi trường. Chẳng hạn như: nắng nóng kéo dài gây hạn hán, cháy rừng, mất mùa, ảnh hưởng đến sức khỏe và an ninh lương thực; bão lũ ra nhiều thiệt hại về người và tài sản; v.v.
Năm 2023, nước ta ghi nhận 21/22 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến 10/01/2023, cả nước ghi nhận 5.331 sự cố thiên tai khiến 924 người tử vong, 205 người mất tích, 977 người bị thương; 555 phương tiện bị chìm, cháy, hư hỏng; 1740 nhà, xưởng, kiot chợ và 1346 ha rừng bị cháy; gây hư hỏng 15.977 căn nhà, 115,56km đê kè, 711 công trình thủy lợi, 179 cây cầu tạm; thiệt hại 151.279 ha hoa màu, 3547 ha nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè và 75.357 gia súc, gia cầm bị chết.
Tổng Cục khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc, nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1.45 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Làm thế nào để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ các hiện tượng thời tiết cực đoan?
Để làm hạn chế sự xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường, ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Một số việc làm góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu đơn giản có thể kể đến như:
- Tích cực sử dụng năng lượng sạch
- Đi xe điện hoặc phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe chạy bằng xăng dầu
- Học cách gia tăng vòng đời của sản phẩm như tái chế, tái sử dụng
- Sử dụng lượng thịt một cách hợp lý
- Sử dụng tiết kiệm tài nguyên như điện, nước, giấy, v.v.
- Trồng cây gây rừng
Đối với các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp
- Xử lý triệt để chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn) trước khi thải ra môi trường
- Chuyển sang sản xuất xanh, theo đuổi phát hướng phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
- Các cơ quan nhà nước có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
- Chủ động, có phương án ứng phó kịp thời trước những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan
Các hiện tượng thời tiết cực đoan nghiêm trọng tại Việt Nam năm 2023
Trong năm 2023, nước ta ghi nhận nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan nghiêm trọng như:
- Huế hứng chịu đợt lũ lớn nhất trong 10 năm, lớn thứ 5 trong vòng 30 năm trở lại đây khiến 85% các tuyến đường tại TP Huế bị ngập, hàng chục nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước.
- Ghi nhận mức độ cao nhất từ trước đến nay trên lãnh thổ Việt Nam là 44.2 độ C tại Tương Dương, Nghệ An.
- Xuất hiện cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 đầu tiên tại nước ta trong đợt mưa diện rộng tại miền Trung hồi giữa tháng 10 ghi nhận lượng mua trong vòng 24 giờ có nơi lên đến 800 mm.
- Đà Nẵng ghi nhận lượng mưa ngày vượt mốc lịch sử 41 năm là 408,6 mm kể từ năm 1982 (143.9mm).
- Ngày 07/07/2023, tại huyện Kon Plong (Kon Tum) đã xảy ra tổng cộng 14 trận động đất.
Tạm kết
Trên đây là một số chia sẻ về chủ đề “Các hiện tượng thời tiết cực đoan” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn hữu ích về chủ đề này.
Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.