BlogMôi Trường“Thả Cá Đừng Thả Túi Nilon” - Lời Nhắn Từ Ông Công Ông Táo

“Thả Cá Đừng Thả Túi Nilon” – Lời Nhắn Từ Ông Công Ông Táo

Năm cũ sắp hết năm mới sắp qua, khắp các con phố nẻo đường đã rực rỡ cờ hoa, không khí Tết đang bao trùm khắp nơi.

Chuẩn bị đến ngày ông Công ông Táo, mọi người đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cá chép. Thả cá chép để tiễn ông Táo về trời là một nét đẹp truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, ngoài thả cá thì số ít người còn “tiện tay” thả cả nilon xuống sông gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. 

Cùng Oreke tìm hiểu chi tiết về thực trạng này trong bài viết dưới đây nhé.

Bạn đã biết gì về sự ông Công ông Táo?

Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ Thần Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Người Việt ta còn quen với sự tích “2 ông 1 bà”, trong đó 1 vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp. 

thả cá chép
Sự tích ngày ông Công ông Táo (Nguồn: Internet)

Ngược dòng thời gian, có hai cặp vợ chồng, vợ là Thị Nhi và chồng là Trọng Cao. Tuy kết hôn đã lâu nhưng không có con, khiến hai vợ chồng liên tục xảy ra mâu thuẫn, đỉnh điểm Trọng Cao đã đánh đuổi vợ ra khỏi nhà.

Người vợ bỏ đi đến một vùng đất mới, sau đó kết hôn với Phạm Lang. Về sau, Trọng Cao hối hận và lên đường đi tìm vợ, vì tiêu hết tiền trên đường đi nên Trọng Cao phải đi ăn xin dọc đường. Tình cờ thay, Trọng Cao ăn xin đúng nhà của Thị Nhi. 

Thị Nhi bèn mời Trọng Cao vào nhà và nấu cơm cho chàng ăn. Đúng lúc này Phạm Lang ở bên ngoài trở về, sợ chồng nghi oan, Thị Nhi đã kêu Trọng Cao trốn vào đống rạ sau vườn nhà. 

Không may, Phan Lang lại đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Dù thấy lửa cháy to nhưng Trọng Cao không dám nhảy ra, Thị Nhi bèn nhảy vào đống rạ để cứu, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy vào cùng. Cuối cùng cả ba đều bị chết cháy.

Thương tình 3 người sống có tình có nghĩa, Ngọc Hoàng đã phong cho người chồng cũ làm Thổ Địa – trông coi việc trong nhà, người chồng mới làm Thổ Công – trông coi việc trong bếp, người vợ làm Thổ Kỳ – trông coi việc chợ búa.

Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, ông Táo bay về trời để báo cáo những việc làm của gia chủ trong năm qua để Thiên đình định đoạt công tội và thưởng phạt phân minh cho mọi người. 

Vào ngày này, người Việt lại tất bật chuẩn bị cá chép, quần áo, mâm cơm để cúng ông Công ông Táo.

Thả cá chép vàng – nét đẹp ngày tiễn ông táo về trời

Tại sao ngày ông Công ông Táo, người Việt lại thả cá chép vàng? Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện được Táo Quân sử dụng để cưỡi về trời. Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình chuẩn bị 3 con cá chép vàng đặt cạnh mâm cỗ để cúng. 

Sau lễ cúng, cá sẽ được phóng sinh tại sông, suối, ao hồ với ngụ ý cá sẽ hóa rồng làm phương tiện đưa ông Táo về trời.

Theo quan niệm của người Việt, “cá chép hóa rồng” hay “cá vượt Vũ Môn” mang ý nghĩa của sự thăng hoa, cầu cho một năm thuận lợi và suôn sẻ. 

Thực trạng thả cá chép kèm thả túi nilon và giải pháp hạn chế

Thả chép tiễn ông Công ông Táo về trời là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc làm này đang dần giảm xuống khi một bộ phận người dân “tiện tay” thả cá chép thả luôn cả túi nilon, tro vàng mã, chân hương xuống sông, hồ. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

ông công ông táo
Thực trạng thả cá chép kèm thả túi nilon và giải pháp hạn chế (Nguồn: Tuổi trẻ)

Vì vậy để giữ trọn nét đẹp truyền thống này, cũng như bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, mỗi cá nhân cần có ý thức trách nhiệm chung. 

Thay vì sử dụng túi nilon để đựng cá, chúng ta có thể đựng vào xô hoặc chậu để không phát sinh thêm rác thải ra môi trường. Khi thả cá đừng thả túi nilon, hãy mang bỏ vào thùng rác đúng nơi quy định. 

Dù là một hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa cực kỳ lớn, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Một số hình ảnh đẹp ngày ông Công ông Táo

Bên cạnh hoạt động thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời, chúng ta còn bắt gặp những hình ảnh đẹp của các bạn tình nguyện viên hỗ trợ người dân thả cá chép và đảm bảo vệ sinh môi trường. 

thả cá đừng thả túi nilon
Hình ảnh đẹp ngày ông Công ông Táo (Nguồn: Tuổi trẻ)

“Nhiều người dân quen với sự có mặt của chúng em mỗi dịp này, nhưng cũng có những người né tránh, thậm chí chửi bới chúng em sao ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’. Chúng em làm những việc này vì tình yêu với môi trường” – Đây là chia sẻ của một bạn trẻ trong nhóm Cá chép – một tổ chức tình nguyện quen thuộc với người Hà Nội vào mỗi dịp Tết ông Công ông Táo.

Dù là một hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa mà các bạn mang lại cho cộng đồng và môi trường là rất lớn. Góp phần vào sứ mệnh bảo vệ trái đất, mỗi chúng ta hãy quyết tâm thả cá không thả túi nilon nhé. 

Lời kết

Bạn biết đấy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mỗi người, vì vậy mỗi chúng ta hãy chung tay cùng thực hiện nhé. Kết thúc một năm bằng một hành động đẹp, để hy vọng một năm mới nhiều may mắn và thuận lợi.

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach