BlogMôi TrườngSản Xuất Xanh Là Gì? Vì Sao Cần Nỗ Lực Thực Hiện?

Sản Xuất Xanh Là Gì? Vì Sao Cần Nỗ Lực Thực Hiện?

Sản xuất xanh là gì? Tại sao cần phát triển sản xuất xanh? Làm thế nào phát triển sản xuất xanh tại Việt Nam? Để tìm hiểu chi tiết hơn về chủ đề này, mời bạn cùng Oreka khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.

Sản xuất xanh là gì? 

Sản xuất xanh được hiểu đơn giản là “xanh hóa” quy trình sản xuất từ những nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, đảm bảo không gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, cũng như sức khỏe con người. 

Sản xuất xanh là một tiêu chí quan trọng để đưa Việt Nam hướng đến nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

thế nào là sản xuất xanh, hình ảnh tàu điện
Thế nào là sản xuất xanh? (Nguồn: Getty Images)

Ví dụ về sản xuất xanh dễ thấy nhất là sản xuất rau hữu cơ, toàn bộ quá trình sản xuất đều sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, và các nguyên tắc sản xuất xanh.

Vì sao cần chuyển sang sản xuất xanh?

Việc thực hiện sản xuất xanh sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và xã hội? Dưới đây là một vài lý do thúc đẩy sản xuất xanh phát triển.

Xu hướng tiêu dùng xanh của con người

Tiêu dùng xanh đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng mới hiện nay. Theo khảo sát của Kantar, sau đại dịch, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng có nhiều sự thay đổi, hướng đến lối sống lành mạnh, bền vững. Khoảng 57% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ ngừng mua các sản phẩm/dịch vụ có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội; 20% người cho biết họ sẵn sàng chi tiết cho các sản phẩm có lợi cho môi trường và sức khỏe.

Báo cáo của Worldbank chỉ ra, 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững bằng việc tiêu dùng các sản phẩm có chứng nhận xanh và không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Theo Bộ Công Thương, 72% người tiêu dùng Việt cho biết họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. 

Qua những dữ liệu trên có thể thấy, nhận thức của con người về tiêu dùng xanh, và các vấn đề môi trường ngày càng tăng. 

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm/dịch vụ xanh tăng lên là nền tảng để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất xanh. 

Tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất truyền thống đến môi trường sống

Sự phát triển của lĩnh vực sản xuất xanh là một giải pháp cần thiết để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường của hoạt động sản xuất truyền thống trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, v.v.

Với ngành nông nghiệp

Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đang gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, nước, không khí, v.v. 

Ngoài ra, tình trạng các sản phẩm nông nghiệp có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, thậm chí gây tử vong. 

Với ngành công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp là cũng là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Việc xả khí thải, nước thải hay chất thải công nghiệp chưa qua xử lý đang gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. 

Trên thực tế, nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng đã xảy ra tại nước ta, chẳng hạn như sự cố môi trường biển Formosa – Hà Tĩnh, sự cố môi trường trên sông Mã, v.v.

Như vậy, xanh hóa quy trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, và các lĩnh vực khác là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường.

Những lợi ích từ sản xuất xanh đem lại cho con người và môi trường

Sản xuất xanh mang đến nhiều lợi ích tích cực cho con người và môi trường, có thể kể đến như:

  • Đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, qua đó giúp nâng cao chất lượng của cuộc sống
  • Giảm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bảo vệ màu xanh của trái đất
  • Tạo bầu không khí lành mạnh, an toàn cho con người và sinh vật trên toàn thế giới
  • Duy trì tính đa dạng sinh học
  • Giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan
việc thực hiện sản xuất xanh sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và xã hội, hình ảnh  nhà máy sản xuất nhiên liệu hydro
Việc thực hiện sản xuất xanh sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và xã hội (Nguồn: rcphotostock)

Thực trạng sản xuất xanh tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Trong lĩnh vực nông nghiệp

Trong những năm trở lại đây, nông nghiệp xanh đã và đang được áp dụng tại nước ta. Theo đó, các trang trại xanh được hình thành, các quy trình và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch được áp dụng vào thực tế. Trên thị trường, nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đang được cung cấp đến người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp

Trong ngành dệt may, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã đẩy mạnh việc triển khai mô hình sản xuất xanh và thân thiện với môi trường đến các doanh nghiệp thành viên.

Theo đó, các doanh nghiệp cần phải giảm thiểu chất thải ra môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch, v.v. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) để triển khai dự án “Xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”.

Đồng thời, hỗ trợ các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành Dệt May. Theo đó, đã có hơn 70 doanh nghiệp trong ngành cùng ký cam kết chung để đạt được tầm nhìn và mục tiêu bền vững của ngành Dệt May Việt Nam.

Một ví dụ khác trong ngành sản xuất ô tô, Vinfast – Thương hiệu ô tô của người Việt, đã cho ngừng kinh doanh ô tô chạy xăng và chuyển sang sản xuất xe ô tô điện.

Trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú

Ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú cũng đã có những bước thay đổi tích cực nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, tại các khách sạn xu hướng “going green” đã và đang được nhiều khách sạn áp dụng, bằng một số hoạt động cụ thể như tiết kiệm năng lượng, tạo ra văn hóa “xanh” trong phục vụ, v.v.

Trên đây chỉ là số ít những minh chứng thực tế về việc ứng dụng sản xuất xanh. Khi nhu cầu tiêu dùng xanh tăng lên, đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Những thách thức khi ứng dụng sản xuất xanh tại Việt Nam?

Sản xuất xanh mang đến nhiều lợi ích tích cực cho con người, môi trường và nền kinh tế, tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế đang gặp phải một số rào cản nhất định.

Trong nghiên cứu “Xu hướng và giải pháp phát triển sản xuất xanh tại Việt Nam” được thực hiện bởi Ths. Nguyễn Thị Minh Nguyệt thực hiện đã chỉ ra một số thách thức cản trở sự phát triển sản xuất xanh tại Việt Nam như.

  • Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý và bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá mức độ xanh hóa sản xuất. 
  • Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực để đầu tư cho các công nghệ tái chế.
  • Tâm lý e ngại thay đổi của doanh nghiệp, hộ sản xuất khi phải sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của các thị trường khó tính.

Ngoài ra, nhận thức về tiêu dùng xanh cũng chưa thực sự phổ biến, mức giá của các sản phẩm xanh còn cao so với mức chi tiêu của đa số người tiêu dùng. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ sản phẩm xanh của các doanh nghiệp.

Giải pháp khuyến khích sản xuất xanh ở Việt Nam

Đối với các cơ quan, tổ chức

Cũng trong nghiên cứu “Xu hướng và giải pháp phát triển sản xuất xanh tại Việt Nam” được thực hiện bởi Ths. Nguyễn Thị Minh Nguyệt thực hiện đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh như sau:

  • Một là, tăng cường, tuyên truyền, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh.
  • Hai là, đẩy mạnh phong trào “Doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững”.
    • Công khai thông tin về những hoạt động và tác động đáng kể về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và quản lý của doanh nghiệp.
    • Thực hiện đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp dựa trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
  • Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực thực hiện tăng trưởng xanh.
    • Đào tạo, tập huấn doanh nghiệp về các nội dung của tăng trưởng xanh.
    • Phát triển thị trường dịch vụ tư vấn kỹ thuật và giải pháp quản lý sản xuất xanh cho doanh nghiệp.
    • Tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện tăng sản xuất xanh giữa các doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm  nước ngoài.
  • Bốn là, xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính – ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Có thể thấy, tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành tài chính Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng xanh. Trường hợp cấp tín dụng hàng nghìn tỷ đồng cho dự án chuyển đổi xanh của Công ty Sợi Thế Kỷ càng là minh chứng cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp ngành dệt may cao nếu chủ động bắt nhịp với xu hướng “xanh hóa” và đưa vào các dự án có đánh giá yếu tố tác động đến môi trường.
  • Năm là, đưa ra các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có cam kết và đạt kết quả trong thực hiện sản xuất xanh.”

Đối với mỗi cá nhân

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng có thể đóng góp tích cực vào nỗ lực thúc đẩy sản xuất xanh tại Việt Nam bằng một số cách như:

  • Tích cực sử dụng các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện và bền vững với môi trường.
  • Thay đổi hành vi tiêu dùng, chuyển sang lối sống xanh, lành mạnh hơn.
  • Lên án các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. 
  • Trở thành một đại sứ lan tỏa lối sống xanh đến tất cả mọi người.
  • Chủ động thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp.
ví dụ về sản xuất xanh, hình ảnh tưới nước bằng máy bay không người lái
Giải pháp thúc đẩy sản xuất xanh tại Việt Nam (Nguồn: Es_sarawuth)

Đọc thêm: Thực Trạng Sử Dụng Năng Lượng Sinh Khối Tại Việt Nam Và Trên Thế Giới

Tạm kết

Trên đây là những chia sẻ về chủ đề “Sản xuất xanh là gì?” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn tích cực về chủ đề này.

Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach