BlogSáchSách Rừng Na Uy Review & Tóm Tắt

Sách Rừng Na Uy Review & Tóm Tắt

Cuốn sách Rừng Na Uy không chỉ là một câu chuyện tình mà còn là hành trình khám phá những vết thương sâu thẳm của tâm hồn. Trong bài viết “Rừng Na Uy Review + Tóm Tắt” Oreka sẽ cùng bạn đi sâu vào từng lớp ý nghĩa, giải mã những bí ẩn đằng sau tác phẩm đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả trên toàn thế giới.

Đôi nét về tác giả Murakami Haruki

Tác giả Murakami Haruki sinh năm 1949, là một tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản nổi tiếng trên toàn cầu. Nhờ những đóng góp tích cực cho nền văn học đương đại nước nhà, ông được gọi với nhiều mỹ danh như “nhà văn của giới trẻ”; “nhà văn được yêu thích nhất”; “nhà văn bán chạy nhất”.

Đặc điểm nổi bật trong phong cách văn chương của Murakami là sự đơn giản và “thoát ly” khỏi lối mòn của văn học Nhật Bản truyền thống. Từng câu, từng chữ của tác giả luôn vượt ra khỏi những khuôn khổ đã định lúc bấy giờ tại Nhật. 

Trong khi, văn học tại đất nước mặt trời mọc thường chú trọng đến vẻ đẹp của ngôn từ, điều này làm giới hạn khả năng diễn đạt và cứng nhắc, còn đối với văn học của Murakami thì thoáng đạt và uyển chuyển. Phong cách này một phần bắt nguồn từ việc ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa phương Tây từ khi còn nhỏ, đặc biệt là âm nhạc và văn học Mỹ với các tác giả như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan.

Tác phẩm đầu tay của ông được viết khi ông 29 tuổi, ý tưởng của bộ tiểu thuyết chợt được nảy ra khi ông đang xem một trận bóng chày, tác phẩm có tên là Lắng nghe gió hát (1979).

Sau sự thành công của cuốn tiểu thuyết này, ông tiếp tục xuất bản cuốn Pinball (1973); Cuộc săn cừu hoang (1982); Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (1985); Rừng Na Uy (1987); v.v. Trong đó cuốn sách Rừng Na Uy, tác phẩm đã giúp Murakami tạo được một sự đột phá mạnh mẽ và sự công nhận tại Nhật Bản.

Tác phẩm này, nhanh chóng được bạn đọc trẻ Nhật đón nhận, hàng triệu bản đã bán ra. Sau đó được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bài viết dưới đây, Oreka sẽ tập trung chia sẻ đến bạn những điều thú vị trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Rừng Na Uy, cùng khám phá nhé.

hình ảnh bìa sách Rừng Na Uy
Tác giả của cuốn sách Rừng Na Uy – Murakami Haruki

Khám phá: Những Tiểu Thuyết Lãng Mạn Phương Tây Hay Nhất

Sơ lược về cuốn sách Rừng Na Uy/Tóm tắt Rừng Na Uy

Câu chuyện bắt đầu khi Toru Watanabe, một người đàn ông 37 tuổi, nghe ca khúc “Norwegian Wood” của Beatles ở sân bay Hamburg, Đức, khơi gợi dòng hồi tưởng về những năm tháng đại học đầy biến động tại Tokyo trong thập niên 1960.

Toru nhớ lại tình bạn thân thiết với Kizuki, người bạn cùng lớp, và Naoko, bạn gái của Kizuki. Bộ ba tưởng chừng có một tương lai tươi sáng, nhưng bi kịch ập đến khi Kizuki tự tử vào ngày sinh nhật tuổi 17.

Cái chết của Kizuki để lại vết thương sâu sắc cho Toru và Naoko. Họ tìm đến nhau và cố gắng an ủi cho mỗi người, lâu dần họ càng trở nên thân thiết và nảy sinh tình cảm yêu đương. Tuy nhiên, Naoko phải vật lộn với nỗi đau mất mát và những vấn đề tâm lý, khiến mối quan hệ giữa cô và Toru trở nên phức tạp và đầy trắc trở.

Trong khi Naoko điều trị tại một viện điều dưỡng hẻo lánh gần Kyoto, Toru gặp gỡ và yêu Midori Kobayashi, một cô gái tràn đầy sức sống và độc lập tại trường đại học. Midori mang đến cho anh một góc nhìn mới về cuộc sống, sự hài hước và niềm vui, tạo nên một sự giằng xé nội tâm giữa tình yêu dành cho Naoko và sức hút từ Midori.

Khi đến thăm Naoko, Toru đã gặp và kết bạn với Reiko Ishida, một bệnh nhân khác và là người đồng hành, chăm sóc cho Naoko. Qua những cuộc trò chuyện, Reiko và Naoko đã tiết lộ những bí mật về quá khứ của mình, bao gồm cả cuộc đấu tranh với giới tính của Reiko, và những ám ảnh về cái chết đột ngột của chị gái của Naoko. 

Toru tiếp tục mối quan hệ tình cảm với hai cô gái, đối diện với sự giằng xé trong tình cảm và những biến động trong cuộc sống, Toru viết thư cho Reiko để xin lời khuyên về mối quan hệ với cả Naoko và Midori. Reiko khuyên anh hãy sống hết mình với Midori, đồng thời không được bỏ rơi Naoko, người đang cần anh hơn bao giờ hết.

Bi kịch lại ập đến khi Toru nhận được thư của Reiko nói rằng Naoko đã tự kết liễu cuộc đời mình. Toru đau khổ tột cùng và lang thang vô định khắp Nhật Bản, chìm đắm trong những ký ức về quá khứ và cố gắng đối diện với sự mất mát. Trong khi Midori không nhận thêm được liên hệ nào từ anh và không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Cuối cùng, Toru nhận ra rằng sự sống vẫn tiếp diễn và Midori là người quan trọng nhất trong cuộc đời anh hiện tại. Toru nói đã chia sẻ chuyện tình cảm của mình với Midori và chuyện gì xảy ra sau đó thì tác phẩm không để cập tới mà để một kết mở cho người đọc.

Tiểu thuyết Rừng Na Uy nói về điều gì?

Rừng Na Uy được xuất bản lần đầu vào năm 1987, cuốn tiểu thuyết đã giúp tác giả Murakami góp tên vào danh sách những nhà văn hàng đầu tại Nhật Bản. 

Tác phẩm có tên tiếng Nhật là Noruwei no mori. Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu tại nước ta vào năm 1997.

Cuốn sách Rừng Na Uy là dòng hồi tưởng của cậu sinh viên Watanabe Toru về các mối tình chớp nhoáng với các cô gái trẻ thích tự do, nhưng sâu đậm nhất là mối tình với Naoko và Midori. Naoko là người yêu cũ của người bạn thân đã khuất, mang trong mình nhiều nỗi buồn và có cảm xúc không ổn định; trái ngược Midori là một cô gái đầy sức sống, thẳng thắn và hoạt bát.

Bối cảnh của truyện diễn ra vào những năm 1960 của Nhật Bản, khi mà những thanh niên tại quốc gia này và nhiều nước khác đang tích cực phản đối và phá bỏ những định kiến trong xã hội.

Rừng Na Uy là một cuốn tiểu thuyết viết về tình yêu nhưng đượm buồn, gợi lên những cảm xúc về sự cô đơn, sự mất kết nối, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về ý nghĩa của sự sống và cái chết.

review sách rừng na uy, hình ảnh cuốn sách được đặt trên bàn bên cạnh có 1 cuốn sổ, 1 cái bút và 2 bông hoa khô
Cuốn sách Rừng Na Uy nói về điều gì?

Độc giả đánh giá như thế nào về tiểu thuyết Rừng Na Uy

Trên trang Goodreads, cuốn sách Rừng Na Uy nhận về hơn 670.000 lượt đánh giá, với điểm trung bình là 4.00/5.00.

Cùng Oreka tìm hiểu xem độc giả đánh giá như thế nào về cuốn tiểu thuyết tình yêu buồn này nhé.

Bạn đọc Thanh Hằng review sau ba lần đọc Rừng Na Uy,

“Tôi nghĩ Rừng Na Uy là một tiểu thuyết hay, vì nó không ngừng gợi nên những suy nghĩ và cảm nhận khác nhau đối với tôi. Mỗi lần đọc lại, tôi lại hiểu sâu hơn về câu chuyện mà Murakami kể.
17 tuổi, lần đầu đọc Rừng Na Uy, cũng như tất cả mọi cô gái khác, tôi mê nhân vật Midori như điếu đổ và nghĩ Naoko là một con bé dở hơi. Midori có kiểu nói chuyện tưng tửng, không ngại sống thật và tràn ngập đời sống. Cô ấy là người chúng ta cần để xốc lại tinh thần và vực ta dậy. Tôi muốn mình là cô ấy.
19 tuổi, đọc lại rừng Na Uy, tôi đã nhìn thấy cái giếng trời của Naoko. Đó là một cái giếng sâu mà đã hụt chân ngã vào thì chỉ có nước kêu gào mãi mà không ai nghe thấy rồi chết trong bóng tối mà thôi. Nhưng nằm trong giếng, sẽ nhìn lại hết được đời mình, quá khứ, hiện tại và cả tương lai mình. Người đã rơi xuống giếng thì cũng như Naoko, khi nào cũng phải cố, tưởng chừng chỉ thả lỏng một chút thì tất cả sẽ hóa thành hoa bồ công anh rồi cuốn theo gió mất. Đó là lúc tôi nghĩ ra được rằng tự tử có lẽ không phải hoàn toàn là một hành động ngu ngốc, mà có thể chỉ là một sẩy chân bình thường mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể vướng vào khi bị đẩy vào kiệt cùng của tâm thế. Chỉ là vì chưa đi đến cuối con đường ấy, không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ biết đến nơi đó. Tôi đã thấy mình trong Naoko.
22 tuổi, tôi ít khi lật Rừng Na Uy ra đọc hơn, nhưng bỗng ngẫm nghĩ thấy mình giống Reiko lắm. Cô ấy biết vấn đề của mình và cố gắng kiểm soát mọi việc, nhưng dĩ nhiên, cuộc sống vẫn có thể chơi khăm mà xô cô ấy xuống giếng. Cô là một khối bất toàn, bất định đứng chênh vênh. Cô ngã nhưng tìm cách đứng dậy.
Khám phá Rừng Na Uy qua 3 lần, tôi học được 3 điều:
+ Hãy sống hết mình, đừng sợ khác biệt như Midori,
+ Hãy nhìn thẳng vào những sự mềm yếu của bản thân mình và người khác, bao dung và chấp nhận nó như Naoko,
+ Và cuối cùng, hãy đứng dậy để sống tiếp, như Reiko và Toru.”

Bạn đọc có nickname thaodocsachchovui chia sẻ, 

“Murakami chưa bao giờ khiến mình nản và thất vọng khi đọc các tác phẩm của ông.
Mình thích tất cả các nhân vật trong quyển sách này, mình thấy sự kết nối và đồng điệu ở mình với họ, dĩ nhiên rồi, đó luôn là đặc điểm trong văn ông, thứ khiến cho các tác phẩm của ông được thu hút đến thế. Mình thích cả những hình ảnh ẩn dụ trong đây, cái giếng, mưa, trăng và cả lối so sánh đầy chất riêng nữa.
Tình dục trong “Rừng Nauy” không hề nhàm chán hay thô thiển. Bởi đúng vậy, tình dục là thứ ko thể thiếu trong cuộc sống, người ta cứ hay sợ hãi và tránh né thứ mà xảy ra hàng ngay ư? (Nên có thể họ thấy nó quá trần trụi) ,tình dục và tình yêu trong tác phẩm dường như tách biệt nhau. Khi người ta yêu 1 cô gái thì đó là tình yêu nhưng cô gái ấy maybe chẳng hợp vs cảm nhận tình dục của họ, họ cảm thấy thế là chưa đủ?
Đọc văn Murakami, ta sẽ chẳng thể hiểu nổi chuyện này rồi.sẽ đi đến đâu, vì ông viết truyện với 1 dòng chảy cảm xúc tự nhiên k thể biết trước, thì sao ta có thể hiểu đc nhỉ?”

Bạn đọc Nguyen Huy Tu Quan chia sẻ, 

“Rừng Na Uy là một cuốn khá mới so với các cuốn sau này của Murakami. Ở đây không có yếu tố siêu thực, những ẩn dụ rối rắm, không có quá nhiều nỗi cô độc và buồn chán. Có cảm giác Rừng Na Uy như dòng suối thuần khiết khi viết về tình cảm giữa con người. Cách nghĩ của các nhân vât về tình yêu và cuộc sống có sức cuốn hút đặc biệt. Bởi họ không lảng tránh tình cảm của mình, không che đậy bản ngã của mình. Họ cũng nói và viết triết lý. Một thứ triết lý không gượng gạo, có chiều sâu và đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên.
Với tôi, đọc Rừng Na Uy là một trải nghiệm rất riêng tư. Tôi tìm thấy ở Rừng Na Uy những mảnh ghép liên quan đến con người mình, những tình cảm của mình đã dành cho người khác. Ở một cách cảm nhận nào đó, tôi đã từng có một Naoko và dành cho Naoko đó một tình cảm vô vọng. Bởi có sự đồng cảm ấy mà dù vừa mới đọc xong, tôi vẫn có thể mở sách ra, đọc lại 1 đoạn bất kì mà không khỏi thấy thích thú. Chuyện này gần như đã lâu không xảy đến với tôi. Khi đọc Rừng Na Uy, tôi cảm giác như được bầu bạn. Phải chăng đó là lý do mà một giáo sư Văn học đã đánh giá “Rừng Na Uy sẽ là người bạn bất diệt của thanh xuân.”

Rừng Na Uy review cá nhân

Rừng Na Uy cuốn tiểu thuyết tình yêu đong đầy nỗi buồn, nỗi buồn ấy bạn có thể cảm nhận qua từng trang sách. 

Phong cách viết đặc trưng của Murakami đơn giản nhưng sâu sắc, kết hợp giữa hiện thực và siêu thực một cách tự nhiên đã tạo nên một thế giới văn học riêng biệt và gần gũi với bạn đọc.

Rừng Na Uy phản ánh chân thực nỗi đau của sự trưởng thành, quá trình ấy dai dẳng và đầy đau đớn. Trên hành trình ấy, có người kiên cường nhưng cũng có người chọn cách từ bỏ. 

Cách xây dựng nhân vật khác biệt cũng là một điểm nổi bật làm nên thành công của cuốn tiểu thuyết Rừng Na Uy. Các nhân vật trong truyện đều mang những vấn đề tâm lý khác nhau. Qua từng vấn đề của các nhân vật, tác giả đã cho mọi người thấy những góc khuất sâu trong suy nghĩ của chúng ta, những thứ đang âm ỉ tàn phá tâm hồn và cơ thể của mình.

Bên cạnh đó, Rừng Na Uy còn “ám ảnh” bạn đọc bởi những cái chết bất ngờ, của Kizuki, bố của Midori, Quốc xã, Hatsumi, và Naoko. Cái chết trong tác phẩm phản ánh sâu sắc bối cảnh xã hội, sự bất ổn và khủng hoảng định hướng của thế hệ thanh niên Nhật Bản thời kỳ này. Ở một góc nhìn khác, cái chết ấy làm nổi bật lên khát vọng sống và yêu đương của người trẻ, lúc này, cái chết không phải là điểm kết thúc mà là một bài học để con người trân trọng cuộc sống của mình. Tác giả Murakami viết, “Cái chết là một phần của sự sống. Sống tức là nuôi dưỡng cái chết”

Yếu tố “tình dục” trong Rừng Na Uy là một điểm khác biệt và vấn đề nổi bật được nhiều độc giả bàn tán, có người phản đối nhưng cũng có người cho rằng nó phản ánh thực tế. Dịch giả, chuyên gia văn học Nhật chiêu, người được xem là nhà nghiên cứu số 1 của Việt Nam về văn học Nhật chia sẻ, “Đây là một tác phẩm viết về giới trẻ đặc biệt chân thật và vì vậy hết sức gợi cảm. Thanh niên nói chung và đặc biệt là sinh viên mê tác phẩm vì họ thấy nó nói lên những điều sâu thẳm trong tâm tư họ. Một lý do khác đáng kể là Rừng Na Uy rất dễ đọc, không giống với những tiểu thuyết sau này của Murakami. Rừng Na Uy là hiện thực pha chút lãng mạn, trong khi các tiểu thuyết về sau mang dấu ấn hậu hiện đại và đầy yếu tố siêu thực.

truyện Rừng Na Uy review, hình ảnh cuốn sách được đặt trên kệ tủ gần giường ngủ, bên cạnh có 1 bình hoa khô.
Review cá nhân về cuốn sách Rừng Na Uy

Tìm đọc sách Rừng Na Uy để rút ra những bài học và trải nghiệm riêng của mình nhé.

Khám phá: Top 17 Cuốn Sách Văn Học Kinh Điển Nhất Định Không Nên Bỏ Qua

Tạm kết

Trên đây là chia sẻ về bài viết “Sách Rừng Na Uy review và tóm tắt” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích và thú vị.

Cùng tìm đọc tác phẩm thú vị này để có thêm nhiều trải nghiệm văn học mới mẻ nhé. Nếu bạn có thêm bất kỳ gửi gắm nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé. 

Mua sách cũ giá tốt trên Oreka ngay.

Huy Kiều
Huy Kiều
Huy Kiều được bạn bè yêu mến đặt cho biệt danh là “Mọt sách mê viết lách". Huy là một mọt sách chính hiệu. Tủ sách cá nhân của anh chứa hơn 300 đầu sách, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó sách phát triển bản thân là loại sách mà Huy thích đọc nhất. Huy đọc sách ở mọi lúc mọi nơi, từ lúc đi học, đi làm cho đến những lúc rảnh rỗi ở nhà. Với Huy, sách là một nguồn tri thức vô tận và có thể giúp anh học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Không chỉ là một người mê đọc sách, Huy còn có đam mê với viết lách. Các bài blog của Huy trên Oreka chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm cá nhân về việc đọc sách, cũng như giới thiệu những cuốn sách hay đến với mọi người.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach