BlogMôi TrườngSách Đỏ Là Gì? Giải Pháp Bảo Tồn Các Loài Động Thực Vật Quý Hiếm Tại Việt Nam

Sách Đỏ Là Gì? Giải Pháp Bảo Tồn Các Loài Động Thực Vật Quý Hiếm Tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với nhiều loài động thực vật khác nhau, và mang nét đặc trưng của vùng đảo nhiệt đới. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang đối mặt với thực trạng mất đa dạng sinh học, nhiều loài động thực vật có số lượng cá thể suy giảm nhanh chóng bởi nhiều lý do khác nhau như biến đổi khí hậu, tình trạng khai thác quá mức, cháy rừng, thiên tai, v.v.

Nhận thức được sự nguy cấp của vấn đề này, một loại tài liệu khoa học đã được xuất bản có tên là Sách đỏ. Vậy Sách đỏ là gì? Các loại động thực vật trong Sách đỏ được phân cấp như thế nào? Để giải đáp những câu hỏi này, mời bạn cùng Oreka tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé. 

Sách đỏ là gì? 

Sách đỏ là sách gì? Sách đỏ Việt Nam là danh sách những loài động thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang đối mặt với tình trạng suy giảm số lượng nghiêm trọng, nguy cơ tuyệt chủng. Đây là tài liệu khoa học quan trọng để Nhà nước đưa ra những quyết định phù hợp về việc bảo vệ và bảo tồn những loài động thực vật tại nước ta.

Sách đỏ Việt Nam được công bố lần đầu vào năm 1992, được thực hiện bởi Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), và nhận được sự tài trợ của Quỹ SIDA (Thụy Điển).

sách đỏ là sách gì, hình ảnh gia đình Voọc chà vá chân nâu đang ngồi trên cành cây
Sách đỏ Việt Nam là gì? ((Nguồn: Tôi yêu Sơn Trà)

Các phiên bản Sách đỏ Việt Nam bao gồm:

  • Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1992 với 365 loài động vật, và phần thực vật bao gồm 356 loài được xuất bản vào năm 1996.
  • Sách đỏ Việt Nam 2004 với 407 loài động vật và 450 loài thực vật.
  • Sách đỏ Việt Nam 2007 (Phiên bản mới nhất hiện nay) với 418 loài động vật và 464 loài thực vật.

Có thể dễ dàng nhận thấy, số lượng các loài động thực vật trong Sách đỏ đang tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc nhiều loài động thực vật đang bị suy giảm số lượng nhanh chóng. Đáng chú ý, 9 loài động thực vật trước khi nằm trong tình trạng bị đe dọa nhưng nay đã bị tuyệt chủng tại Việt Nam, bao gồm: tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp, cá sấu hoa cà, hươu sao, hoa lan nhài.

Bên cạnh Sách đỏ Việt Nam 2007, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã hoàn thành việc soạn thảo Danh lục Sách đỏ Việt Nam 2007.

Sách đỏ tiếng Anh là gì? Trong tiếng Anh, thuật ngữ này là Red list of Threatened Species được giám sát bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Vai trò của Sách đỏ là gì?

Vì sao Sách đỏ được ra đời? Theo đó, sự ra đời của loại tài liệu này mang tính chất khuyến nghị đến các quốc gia, khu vực đang tiềm ẩn mối đe dọa với các loài động thực vật, hướng đến mục tiêu bảo tồn các loài động thực vật trên trái đất.

Dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá tình trạng các loài của IUCN, Việt Nam công bố Sách đỏ Việt Nam nhằm hướng dẫn, thúc đẩy công tác bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tài liệu khoa học này cũng được ứng dụng vào việc soạn thảo và ban hành các quy định, luật pháp của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường sinh học. 

Chứng kiến số lượng loài động thực vật trong Sách đỏ tăng lên từng ngày giống như một lời cảnh báo về nguy cơ biến mất của chúng. Qua đó, thúc đẩy nỗ lực bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật này.

Nhờ có những biện pháp bảo tồn từ sớm, nhiều loài động thực vật đã khôi phục số lượng loài và thoát khỏi tình trạng bị đe dọa khẩn cấp như gà lôi, cá sấu, gỗ lát hoa, v.v.

Tiêu chuẩn đánh giá tình trạng các loài đưa vào Sách đỏ Việt Nam

Các cấp đánh giá chính

Các cấp đánh giá chính về tình trạng của các loài động thực vật được đưa vào Sách đỏ Việt Nam bao gồm: 

  • ENDANGERED (E) – Đang nguy cấp: Là những taxon đang bị đe dọa tuyệt chủng và không chắc có thể tồn tại tiếp nếu các yếu tố đe dọa vẫn còn hiện hữu, bao gồm các taxon có số lượng giảm đến mức báo động, điều kiện sống bị suy thoái nặng nề đến mức có thể bị tuyệt chủng.
  • VULNERABLE (V) – Sẽ nguy cấp: Dùng để chỉ những taxon có khả năng tuyệt chủng trong tương lai gần nếu các nhân tố đe dọa còn hiện hữu, bao gồm các taxon mà phần lớn hoặc tất cả các quần thể của nó đã bị giảm vì khai thác quá mức, hoặc môi trường sống bị phá hủy nặng nề, hoặc các thay đổi khác của môi trường sống; các taxon có số lượng khá nhưng có giá trị kinh tế cao nên việc tìm bắt và khai thác diễn ra thường xuyên, dẫn tới nguy cơ bị đe dọa.
  • RARE (R) – Hiếm: Là những taxon có phân bổ hẹp (nhất là những chi đơn loài) có số lượng ít, nhưng hiện tại, chưa phải là đối tượng đang hoặc sẽ bị đe doạ, mặc dù vậy sự tồn tại lâu dài của chúng khá mỏng manh.

Các cấp đánh giá khác

Bên cạnh 3 cấp đánh giá chính, khi soạn thảo Sách đỏ Việt Nam còn sử dụng một trong các cấp này:

  • THREATENED (T) – Bị đe doạ. Dùng để chỉ những taxon thuộc một tròn 3 cấp trên nhưng chưa có đủ dữ liệu để phân loại vào cấp cụ thể.
  • INSUFFICIENTLY KNOWN (K) – Biết không chính xác: Dùng để chỉ những taxon nghi ngờ và không biết chắc chắn chúng thuộc loại nào trong 3 cấp đánh giá ở trên do thiếu dữ kiện. Các loài được đề cập đến trong phần này để chờ các tác giả xác định mức độ cụ thể của chúng. 
sách đỏ tiếng anh là gì, hình ảnh tê tê vàng (Manis pentadactyla)
Tiêu chuẩn đánh giá tình trạng các loài đưa vào Sách đỏ Việt Nam (Nguồn: China Daily)

Thực trạng bảo vệ động thực vật hoang dã trong Sách đỏ

Theo GS. TS Đặng Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Đề án soạn thảo Bộ Sách đỏ Việt Nam 2007 đã hé lộ thực trạng đáng quan ngại của về tài nguyên động, thực vật tại nước ta, số lượng loài bị đe dọa và mức độ đe dọa đang tăng lên.

Theo đó, cấp độ đe dọa cao nhất trong Sách đỏ Việt Nam 1992-1996 ở mức Nguy cấp, tuy nhiên trong Sách đỏ Việt Nam 2005-2007 đã ghi nhận mức độ Tuyệt chủng hoàn toàn. Nhiều loài từ cấp Sẽ nguy cấp đã chuyển sang cấp Nguy cấp, đáng chú ý khi một tỷ lệ khá lớn đã chuyển sang mức Rất nguy cấp.

Biện pháp bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ biến mất

Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng các loài động thực vật rơi vào nguy cơ bị đe dọa bị tuyệt chủng? 

  • Các chuyên gia thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, để thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cần tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các cấp chính quyền và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ban, ngành, địa phương, cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng.
  • Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ các loài động thực vật, không săn bắt và khai thác trái phép, không tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ động thực vật quý hiếm nhằm gián tiếp tiếp tay cho hoạt động khai thác quá mức.
  • Nghiên cứu và triển khai các mô hình phát triển kinh tế bền vững cho người dân, giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác 100% từ tự nhiên.  
  • Tăng cường nguồn lực và năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác bảo tồn động thực vật hoang dã. Bên cạnh đó, thực hiện mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia để bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm.
  • Tích cực hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật.
  • Khuyến khích, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh và bền vững nhằm giảm thiểu rác thải và những tác động tiêu cực đến môi trường sống. 
  • Khuyến khích sự phát triển của xu hướng du lịch bền vững, du lịch thân thiện với môi trường.
  • Thực hiện bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ các loài động thực vật; duy trì và phát triển nguồn gen của những loài động thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ biến mất, những loài cóc giá trị kinh tế cao.
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động quản lý và giám sát các loài động thực vật.
Bảo tồn thiên nhiên
Biện pháp bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ biến mất (Nguồn: Getty Images)

Bên cạnh những giải pháp trên, mỗi cá nhân chúng ta cũng có thể đóng góp một phần nỗ lực vào công tác bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn nguy cơ biến mất của các loài động thực vật:

  • Giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần
  • Tích cực trồng cây xanh
  • Không sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm từ động thực vật hoang dã
  • Phân loại rác trước vứt bỏ, và bỏ rác đúng nơi quy định
  • Tiết kiệm các nguồn tài nguyên như nước, điện, giấy, v.v.
  • Học cách tái chế, gia tăng vòng đời của đồ dùng

Đọc thêm: Các Giải Pháp Phòng Chống Cháy Rừng

Tạm kết

Trên đây là một vài chia sẻ về chủ đề “Sách đỏ là gì?” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn thú vị về chủ đề này.

Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach