BlogMôi TrườngThực Trạng & Giải Pháp Khai Thác Quặng Titan Bền Vững Tại Việt Nam

Thực Trạng & Giải Pháp Khai Thác Quặng Titan Bền Vững Tại Việt Nam

Quặng titan là gì? Trữ lượng quặng titan tại Việt Nam như thế nào? Thực trạng ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng titan tại nước ta ra sao? Để hiểu hơn về chủ đề này, mời bạn cùng Oreka tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.

Quặng titan là gì?

Trong lớp vỏ trái đất, Titan là nguyên tố phổ biến thứ 9 và chiếm 0.6% các nguyên tố. Có tới 70 khoáng vật, tuy nhiên, ilmenit (có biến tính là leucoxen) và rutil (biến tính của nó là anataz, brukit) là hai loại khoáng chất quan trọng nhất trong công nghiệp.

quặng titan ở việt nam
Đôi nét về quặng titan ở Việt Nam (Nguồn: Dương Anh Thơ)

Quặng titan thường được khai thác từ 2 dạng quặng chính là quặng sa khoáng ven biển và quặng gốc. 

Quặng titan để làm gì? Ứng dụng của chúng rất đa dạng, chẳng hạn như trong các ngành công nghiệp Pigment, Titan kim loại và hợp kim của chúng.

Trên thế giới có khoảng 90% titan sử dụng ở dạng pigment TiO2, là nguyên liệu đầu vào của ngành titan. 

Đọc thêm: Thực Trạng Khai Thác Dầu Khí Tại Việt Nam

Phân loại quặng titan ở Việt Nam

Tại Việt Nam, quặng titan bao gồm 3 loại là: 

  • Quặng titan gốc: trữ lượng đã được xác định là 4.8 triệu tấn ilmenit, tuy nhiên điều kiện khai thác và chế biến khó khăn.
  • Quặng titan eluvi, deluvi: Trữ lượng đã đánh giá là hơn 4 triệu tấn ilmenit.
  • Quặng sa khoáng titan – zircon ven biển, bao gồm hai loại quặng phân bố trong tầng cát đỏ và quặng còn lại phân bố trong trầm tích cát xám. Trữ lượng dự đoán khoảng 650 triệu tấn quặng tinh, tập trung chủ yếu trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 599 triệu tấn tinh quặng. 

Tài nguyên quặng sa khoáng titan tại nước ta rất lớn, đảm bảo đủ cơ sở để xây dựng các khu công nghiệp khai thác, chế biến và phát triển lâu dài.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch thăm dò khai thác quặng sa khoáng titan trong tầng cát đỏ tại khi Lương Sơn, tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích khoảng 150km2, trữ lượng khoảng 127 triệu tấn, trong đó zircon là 17 tấn.  

quặng titan để làm gì
 Vị trí phân bố các khu mỏ khoáng sản titan (Nguồn: Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim)

Thực trạng hoạt động khai thác quặng titan tại Việt Nam

Theo thống kê tính đến đầu năm 2013, có 42 giấy phép hoạt động khoáng sản đối với quặng titan đang trong trạng thái hoạt động, trong đó, 22 giấy phép khai thác với trữ lượng cho phép là 14.2 triệu tấn quặng tinh, công suất khai thác hàng năm là 1.2 triệu tấn quặng tinh.

Hoạt động thăm dò: Trữ lượng dự báo tại 9 khu vực đang thăm dò rơi vào khoảng gần 9.5 triệu tấn quặng tinh. Bên cạnh đó, tại các khu vực khác như tỉnh Thái Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định và Quảng Trị trữ lượng sau thăm dò dự đoán đạt 12.7 triệu tấn quặng tinh.

Hoạt động khai thác: Trữ lượng khai thác cho phép tại nước ta là 14.2 triệu tấn quặng tinh, công suất khai thác là 1.2 triệu tấn/năm (quy theo quặng ilmenit là 784 nghìn tấn/năm). Theo số liệu của các địa phương trên cả nước UBND cấp tỉnh đã cấp phép với tổng công suất 580 nghìn tấn quặng tinh/năm. Như vậy, công suất khai thác quặng hằng năm của nước ta đạt hơn 1.5 triệu tấn quặng tinh.

Hoạt động chế biến sâu: Nước ta hiện có 5 nhà máy xỉ titan và 2 nhà máy ilmenit hoàn nguyên đã và đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000 tấn mỗi năm. Mức độ hiệu quả hoạt động đều đảm bảo tại các nhà máy.

Qua đây có thể thấy, mức độ đầu tư cho hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến quặng titan còn nhiều hạn chế, đặc biệt chưa có các dự án sản xuất pigment, titan xốp và titan kim loại.Tuy nhiên, cũng đã ghi nhận một số tổ chức, cá nhân đăng ký dự án chế biến sâu và dự án khai thác.

Nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cần có chiến lược đầu tư dài hạn và quy hoạch các dự án chế biến sâu quặng titan, qua đó hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan thiếu kiểm soát, lãng phí tài nguyên, cũng như những tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, kinh nghiệm và nguồn vốn tham gia vào các dự án chế biến.

Đọc thêm: Thực Trạng Ngành Công Nghiệp Khai Thác Than Đá Ở Việt Nam

Định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác titan tại Việt Nam

Hoạt động khai thác titan tại Việt Nam bắt đầu diễn ra vào năm 1993 tại các tỉnh ven biển miền Trung. Tuy nhiên do công nghệ lạc hậu, phương pháp thô sơ, tỷ lệ ilmenit là khoảng 52% TiO2 do đó phần lớn tiêu thụ titan trên thị trường là quặng chưa qua chế biến. Về sau nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả khai thác và chế biến từng bước được nâng lên. Mặc dù vậy, hoạt động chế biến công nghệ cao không đạt yêu cầu hiện nay đang gây ra tình trạng thất thoát và lãng phí tài nguyên.

Theo Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim, định hướng phát triển của ngành công nghiệp khai thác titan tại Việt Nam như sau:

  • Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến mang tính đồng bộ và bền vững, đảm bảo mục tiêu kinh tế và giữ gìn môi trường.
  • Sản phẩm của ngành khai thác và chế biến titan phải đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
  • Có lộ trình và quy mô khai thác và chế biến quặng titan hợp lý theo yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế ở từng thời kỳ.
  • Ứng dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại vào quá trình khai thác và chế biến.
  • Từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ-tuyển-chế biến sâu quặng titan, bắt đầu tại vùng tập trung tài nguyên quặng titan ở Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Định.
  • Huy động nhiều nguồn lực khác nhau trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến.
  • Trong giai đoạn 2021-2030: Duy trì tính ổn định và phát triển bền vững của ngành, củng cố vị trí là đơn vị cung cấp các sản phẩm xỉ titan, pigment và titan xốp trên thị trường quốc tế; Đáp ứng đủ nhu cầu pigment, các hợp chất zircon, titan xốp và titan kim loại với lượng cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Cân bằng việc khai thác titan và bảo vệ môi trường

Hoạt động khai thác và chế biến titan tại nước ta đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Như Oreka vừa chia sẻ trong phần trên, nước ta có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp này rất lớn. Vậy làm thế nào để vừa đảm bảo mục tiêu về hiệu quả kinh tế vừa hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu đến môi trường?

Một số vấn đề môi trường đang xảy ra có thể kể đến như: 

  • Tình trạng khai thác và loại bỏ chất thải trực tiếp mà không xử lý đất đai sau khai thác;
  • Khai thác vượt độ sâu và phạm vi hạn chế khiến biến dạng địa hình và cảnh quản môi trường, làm tăng nguy cơ xói mòn và sa mạc hóa; 
  • Các chất phóng xạ trong quá trình khai thác gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh.

Điều này có thể khiến nước ta rơi vào tình trạng giàu tài nguyên khoáng sản nhưng nền kinh tế chậm phát triển và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Hình ảnh khu vực khai thác quặng titan tại xã Sen Thủy và Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Gắn liền mục tiêu kinh tế và bảo vệ môi trường trong ngành khai thác, chế biến quặng titan (Nguồn: Minh Tân)

Qua đây nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng titan theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố then chốt để quy hoạch ngành khoáng sản nói chung và khoáng sản titan nói riêng.

Theo đó, để đạt được mục tiêu này, yêu cầu sự tham gia và chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan.

Tạm kết

Trên đây là những chia sẻ về thực trạng khai thác và chế biến quặng titan tại Việt Nam mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn hữu ích về chủ đề này.

Nếu bạn có thêm bất kỳ thông tin thú vị nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach