Tại sao cần phải phát triển du lịch theo hướng bền vững? Làm thế nào để phát triển du lịch bền vững? Để hiểu hơn về chủ đề này, mời bạn cùng Oreka tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
- Phát triển du lịch bền vững là gì?
- Mục tiêu của phát triển du lịch bền vững là gì?
- 9 nguyên tắc hỗ trợ phát triển du lịch bền vững
- Khai thác các nguồn lực một cách hợp lý
- Giảm mức tiêu thụ TNTN
- Duy trì và bảo vệ đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn
- Phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tổng thể của kinh tế xã hội
- Phát triển du lịch phải hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế địa phương
- Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững du lịch
- Lấy ý kiến của nhân dân và các đối tượng liên quan
- Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực
- Coi trong công tác nghiên cứu khoa học ngành du lịch
- Thử thách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam
- Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam
- Tạm kết
Phát triển du lịch bền vững là gì?
Theo Luật Du lịch năm 2017, phát triển du lịch bền vững được định nghĩa như sau: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.
Nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, với hơn 40.000 di tích và thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đồng thời, nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi vùng miền lại có những nét văn hóa đặc sắc, người dân Việt Nam thân thiện và mến khách.
Dù vậy, việc khai thác tiềm năng du lịch tại nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, cũng như tồn tại nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành. Do đó, việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Mục tiêu của phát triển du lịch bền vững là gì?
Phát triển bền vững là mục tiêu hướng đến của nhiều quốc gia trong nỗ lực phát triển kinh tế và đảm bảo màu xanh của trái đất.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của ngành phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Sự phát triển du lịch và phát triển bền vững có tác động biện chứng lẫn nhau. Do vậy, phát triển du lịch bền vững đi đôi với với phát triển bền vững.
Dưới đây là các mục tiêu cơ bản của hoạt động phát triển du lịch:
- Đảm bảo hiệu quả kinh tế và mức độ cạnh tranh để doanh nghiệp và các điểm du lịch thể tiếp tục phát triển và đạt lợi nhuận bền vững.
- Hỗ trợ phát triển kinh tế tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
- Phân phối lại lợi ích kinh tế và xã hội từ việc phát triển du lịch một cách công bằng.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, từ đó góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách.
- Hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa di sản, bản sắc dân tộc.
- Duy trì và nâng cao chất lượng của cảnh quan thiên nhiên.
- Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chẳng hạn như các nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo.
- Góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.
Đọc thêm: Cách Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Xu Hướng Du Lịch Xanh
9 nguyên tắc hỗ trợ phát triển du lịch bền vững
Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, cần tuân theo các nguyên tắc sau:
Khai thác các nguồn lực một cách hợp lý
Nguồn lực du lịch có thể bao gồm: vị trí, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, v.v. Do đó, để phát triển du lịch theo hướng bền vững cần sử dụng các nguồn lực này một cách phù hợp.
Giảm mức tiêu thụ TNTN
Tài nguyên thiên nhiên nếu không được sử dụng một cách hợp lý thì đến một thời điểm nào đó, chúng cũng sẽ bị cạn kiệt. Bên cạnh đo, việc khai thác và sử dụng tài nguyên quá mức là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, trong nỗ lực phát triển du lịch bền vững, tài nguyên thiên nhiên cần được quy hoạch, quản lý hiệu quả trong việc sử dụng và khai thác.
Duy trì và bảo vệ đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn
Hoạt động du lịch là một trong nguyên nhân gây ra tình trạng mất đa dạng sinh học. Bởi vậy, chúng ta cần đảm bảo việc phát triển du lịch phải đi đôi với nhiệm vụ duy trì và bảo vệ tính đa dạng thiên nhiên.
Việc đánh giá và giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch đối với động thực vật, cũng như tích hợp các hoạt động du lịch vào sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng dân cư là rất quan trọng. Chúng ta cần phải ngăn chặn sự thay thế các ngành nghề truyền thống bằng các ngành nghề hiện đại, mà thay vào đó, phát triển du lịch một cách phù hợp với văn hóa bản địa, mang lại lợi ích xã hội và đảm bảo rằng phát triển này đáp ứng được nhu cầu của cả du khách và cộng đồng địa phương.
Đọc thêm: Cách Để Bắt Đầu Lối Sống Healthy
Phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tổng thể của kinh tế xã hội
Để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của ngành du lịch, chúng ta cần tích hợp hoạt động này vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, vùng và địa phương. Điều này đòi hỏi ngành du lịch phải linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu ngay từ lúc hiện tại của cả người dân và du khách, trong khi vẫn tôn trọng và thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững.
Quy hoạch cho sự phát triển của ngành du lịch cần phải cân nhắc đến các yếu tố kinh tế – xã hội, môi trường và phù hợp với chiến lược tổng thể của quốc gia, vùng và địa phương. Sự phát triển của ngành du lịch phải điều chỉnh và điều hòa với địa phương, tuân thủ quy hoạch và chiến lược mà các cấp quản lý địa phương đã đề ra. Khi đó, sự phát triển của ngành du lịch mới thực sự bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng và môi trường.
Phát triển du lịch phải hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế địa phương
Có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành khác nhau, phát triển du lịch bền vững không chỉ mang đến lợi ích cho riêng ngành du lịch mà còn tạo ảnh hưởng tích cực đến các ngành nghề khác.
Trong ngành du lịch, việc hỗ trợ không chỉ dành cho các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, mà còn lan rộng đến nhiều doanh nghiệp khác tham gia gián tiếp như nhà hàng, khách sạn, đơn vị vận tải, v.v. Có thể nói, sự phát triển của ngành du lịch thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, góp phần thúc đẩy kinh tế tại địa phương.
Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững du lịch
Sự tham gia của cộng đồng địa phương là một cách hiệu quả để phát triển du lịch bền vững. Khi đó, mỗi người đều có chung trách nhiệm nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch theo hướng an toàn và bền vững.
Lấy ý kiến của nhân dân và các đối tượng liên quan
Việc tham khảo ý kiến của các bên liên quan là một nguyên tắc quan trọng trong nỗ lực phát triển du lịch bền vững, qua đó nhằm cân bằng lợi ích mà các bên nhận được trong quá trình thực hiện.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch chính là con người. Bởi vậy, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong 9 nguyên tắc cần chú ý trong quá trình phát triển du lịch bền vững.
Coi trong công tác nghiên cứu khoa học ngành du lịch
Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, để hoạt động này trở thành một ngành kinh tế chủ lực, cần chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học ngành du lịch. Các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch là tiền đề quan trọng để ứng dụng vào thực tế, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp du lịch.
Đọc thêm: 10 Lợi Ích Của Việc Đi Du Lịch Chưa Ai Kể Bạn Nghe
Thử thách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam
Mặc dù, du lịch bền vững có thể mang đến lợi ích cho nền kinh tế, cũng như môi trường, tuy nhiên hoạt động này đang vướng phải một số rào cản nhất định:
- Cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động di chuyển của du khách. Ví dụ như, tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) thu hút khách du lịch bởi sự phong phú và đa dạng của hệ động thực vật. Tuy vậy, để đi sâu vào khu vực để khám phá sâu hơn về tính đa dạng của vườn thì còn khá hạn chế do giao thông còn khá hạn chế.
- Các chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chưa rõ ràng.
- Chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thuế, đất đai, xuất nhập cảnh từng lúc, từng nơi khó tiếp cận, thủ tục còn phức tạp.
- Khả năng tiếp cận chủ trương, chính sách về hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp hoạt động du lịch chưa cao do còn gặp rào cản về quy trình và thủ tục (do vận dụng chính sách từ ngành khác).
- Nhận thức của một số người dân về sự phát triển du lịch bền vững còn hạn chế, xâm phạm đến tài sản của các khu du lịch mà không ý thức hết những ảnh hưởng lâu dài đến vấn đề môi trường sinh thái và lợi ích của cộng đồng trong tương lai.
- Thiếu hợp tác giữa các ngành liên quan, và kết nối giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý chưa hiểu đầy đủ về du lịch bền vững, cũng như cách thức áp dụng và thực hành hiệu quả.
- Các công ty lữ hành có tâm lý lo sợ đầu tư tốn kém, hiệu quả lợi nhuận mang lại không như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch bền vững cũng đòi hỏi sự hợp tác từ phía du khách tham quan. Tuy vậy, nhận thức về hình thức du lịch này còn khá hạn chế.
Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam
Để khắc phục những hạn chế, cũng như phát triển du lịch bền vững tại nước ta, dưới đây là một vài gợi ý cụ thể:
- Giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn, tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
- Duy trì và nâng cao chất lượng phong cảnh, không gian tại các khu du lịch.
- Tìm hướng phát triển, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch bền vững.
- Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương, du khách về lợi ích của du lịch bền vững.
- Các địa phương tích cực phát triển loại hình du lịch thế mạnh của mình.
- Cơ cấu lại ngành Du lịch, từ hoạt động quảng bá, định vị thị trường mục tiêu đến xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên mục tiêu kích cầu.
- Phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa ngành Du lịch với các bên liên quan như: Hàng không, dịch vụ lưu trú, vận chuyển, v.v. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham gia các hoạt động du lịch bền vững.
- Nâng cao chất lượng nhân sự của ngành, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ của toàn ngành.
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý và phát triển du lịch.
Tạm kết
Trên đây là một vài chia sẻ về mục tiêu và các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn thú vị về chủ đề này.
Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.
Bài viết được tham khảo từ:
https://vietnamtourism.gov.vn/post/31856
https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-va-giai-phap-xay-dung-du-lich-ben-vung-tai-viet-nam.html