Hồi trước, mẹ tôi kể, nhà ông bà ngoại có điều kiện lắm. Ông bà ngoại là tiểu thương nhưng chăm chỉ, chịu khó nên cứ thế đi lên. Lúc mẹ ra đời, ông bà và bác cả đã có 2 cửa hàng lớn. Mẹ cứ thế lớn lên trong sự yêu thương, chiều chuộng của cả nhà.
Cho tới khi mẹ đi học, mẹ chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình thiếu thốn.
Thế nhưng, mẹ bị ngại vì mấy người bạn bảo gia đình tôi ki bo, nhà không nghèo nhưng mẹ lại phải học đàn bằng organ cũ.
Chuyện là, mẹ tôi học môn âm nhạc là chơi đàn piano. Bác cả cũng là người siêu giỏi, chơi được cả piano và guitar. Bác trực tiếp dạy mẹ và cũng là người song tấu hợp ý thế nhưng, bác nhất định không mua đàn mới cho mẹ mà bắt mẹ dùng cây organ cũ của bác. Mẹ vẫn miệt mài học đàn, vốn không sao cả nhưng cũng có phần tủi thân…
Cho đến một ngày, mẹ đi học về không thấy đàn đâu. Bác bảo bác bán rồi, chuẩn bị mang đàn mới về cho mẹ. Mẹ bỗng hụt hẫng, nước mắt cứ ứa ra, rồi mẹ oà khóc. Mẹ thấy buồn như mất đi một người bạn thân. Giờ mẹ mới càng khẳng định, mình đâu cần một chiếc đàn mới!
Bác cả hiểu ý ngay, ôm lấy mẹ vỗ về. Bác bảo đàn có linh hồn đấy, khi mình gắn bó, mỗi nốt nhạc như đánh lên cả tâm tình. Vậy nên bác mới không muốn đổi đàn mà muốn tặng mẹ cả dấu ấn của bác trên từng phím đàn cũ.
Mẹ hiểu vậy và tới bây giờ, tôi cũng luôn có thái độ trân trọng những đồ vật cũ đã gắn bó với mình như một văn hoá trong gia đình thân yêu.