BlogMôi TrườngThực Trạng Sử Dụng Năng Lượng Sinh Khối Tại Việt Nam Và Trên Thế Giới

Thực Trạng Sử Dụng Năng Lượng Sinh Khối Tại Việt Nam Và Trên Thế Giới

Năng lượng sinh khối là gì? Năng lượng sinh khối có ý nghĩa như thế nào? Năng lượng thay thế này được ứng dụng trong thực tế như thế nào? Để giải đáp những thắc mắc trên và có thêm nhiều hiểu biết về nguồn năng lượng này, mời bạn cùng Oreka khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây nhé. 

Năng lượng sinh khối là gì?

Năng lượng sinh khối là một dạng của năng lượng sạch được tạo ra từ các vật phẩm hữu cơ, chẳng hạn như chế phẩm nông lâm nghiệp, rác thải sinh hoạt, v.v.

Có thể nói, đây là một nguồn năng lượng thay thế tiềm năng cho nhiên liệu hóa thạch, qua đó góp phần giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, cũng như chất thải ra môi trường.

năng lượng sinh khối là gì, hình ảnh máy truyền đang đưa các phế phẩm gỗ sau sản xuất đến khu sản xuất năng lượng sinh khối
Năng lượng sinh khối là gì? (Nguồn: grapix)

Dưới đây là một số nguồn tạo ra năng lượng sinh khối:

  • Chế phẩm nông nghiệp: Sau vụ mùa, ngoài những phần được thu hoạch, phần còn lại của các cây nông nghiệp có thể được giữ lại nhằm bổ sung dưỡng chất cho đất canh tác. Chẳng hạn như, sau khi gặt lúa xong phần rơm rạ có thể được để lại ruộng để chúng tự phân hủy thành các chất hữu cơ tốt cho đất ruộng.
  • Chất thải từ gia súc: Các loại phân gia súc như trâu, bò, lợn, v.v, được sử dụng để chuyển thành khí đốt phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt của con người. Tuy vậy, trong phân gia súc có chứa hàm lượng methane, việc tiếp xúc thường xuyên có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
  • Chất thải gỗ (thân cây, cành, lá): Một số loại cây được thu gom để tạo ra phân trộn hữu cơ hoặc sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy sản xuất. Theo Hiệp hội năng lượng Việt Nam, tiềm năng năng lượng sinh khối từ chất thải gỗ có thể tương đương với 14.6 triệu tấn dầu, nếu quy đổi vào năm 2030.
  • Các thành phần của giấy, hoặc chất bã thải sau sản xuất giấy: Trong thân cây chứa nhiều thành phần như cellulose, lignin, v.v. Sau quá trình sản xuất, phần bột giấy dư thừa được tận dụng để tạo ra nguồn điện vận hành nhà máy.
  • Chất thải sinh hoạt: Trong chất thải sinh hoạt chứa nhiều loại rác khác nhau như thực phẩm dư thừa, bìa giấy, lon nước, v.v. Sau quá trình phân loại, các chất hữu cơ có thể tạo ra năng lượng sinh khối và được tận dụng. 

Đọc thêm: Năng Lượng Gió Là Gì? Tiềm Năng Ứng Dụng Năng Lượng Gió Trong Ngành Điện

Lợi ích của việc sử dụng năng lượng sinh khối hiện nay

Năng lượng sinh khối có lợi ích như thế nào? Dưới đây là một số ưu điểm của dạng năng lượng này:

  • Đây là một nguồn năng lượng tái tạo và bền vững: Sinh khối là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, không lo cạn kiệt. Hơn nữa, nước ta có lợi thế về nông nghiệp, đây là một nguồn cung cấp nhiên liệu tiềm năng cho quá trình này.
  • Góp phần giảm phát thải khí nhà kính: Việc sử dụng sinh khối có thể giảm lượng khí thải CO2 so với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vì CO2 phát ra từ quá trình cháy sinh khối tương ứng với lượng CO2 cây hấp thụ trong quá trình sinh trưởng, điều này có thể được gọi là chu trình carbon khép kín. 
  • Đa dạng hóa nguồn năng lượng: Đây là một nguồn năng lượng thay thế tuyệt vời, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đảm bảo an ninh năng lượng.
  • Giảm lượng rác thải ra môi trường: Thay vì bị vứt ra môi trường bừa bãi, chúng được thu gom và sử dụng hiệu quả nhằm tạo ra năng lượng hữu ích cho con người.
  • Hạn chế các hiện tượng mưa axit: Việc sử dụng năng lượng sinh khối không phát sinh khí SO2 hoặc rất ít, do vậy hạn chế tình trạng mưa axit.
  • Có lợi cho nền nông nghiệp: Việc sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hữu cơ giúp tăng tính bền vững của đất, hạn chế tình trạng bạc màu, tăng độ axit của đất, v.v.

Thực trạng sử dụng năng lượng sinh khối tại Việt Nam và trên thế giới

Trên thế giới

Xét trên quy mô toàn cầu, năng lượng sinh khối chiếm 14 – 15% tổng lượng năng lượng tiêu thụ, là nguồn năng lượng lớn thứ 4. Đặc biệt, tại các nước đang phát triển, năng lượng sinh khối đóng góp khoảng 35% tổng năng lượng tiêu thụ. (Dữ liệu năm 2012)

Qua đây có thể thấy, vai trò của năng lượng sinh khối rất lớn trong mạng lưới năng lượng toàn cầu.

Mỹ là một nước sản xuất điện sinh khối lớn nhất trên thế giới. Hiện tại, quốc gia này đang có hơn 350 nhà máy điện sinh học, mỗi năm cung cấp 7500 MW điện. Các nhà máy này tận dụng chất thải từ nền nông nghiệp, nhà máy sản xuất giấy, v.v, để tạo ra điện. Năng lượng sinh khối hiện chiếm 4% tổng năng lượng tiêu thụ và 45% năng lượng tái sinh tại quốc gia này. (Dữ liệu năm 2012)

Tại quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm phát triển nguồn năng lượng này.

Tại Nhật Bản, năm 2003, Chính phủ nước này đã ban hành Chiến lược năng lượng sinh khối và tích cực thực hiện các Dự án phát triển các khu đô thị sinh khối (tính đến năm 2011, quốc gia này có 286 khu đô thị sinh khối)   

Tại Hàn Quốc, trong 5 năm kể từ năm 2018 đến năm 2023, Chính phủ nước này đã tài trợ tổng cộng khoảng 464.276 triệu won tương đương với 8400 tỷ VNĐ cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực sinh khối. Khoản hỗ trợ này sẽ tiếp tục tăng với tốc độ trung bình năm khoảng 22.7%. Nhờ sự hỗ trợ này, trong 5 năm qua, Hàn Quốc đã triển khai 1956 dự án.

Tại Việt Nam

Tại nước ta, năng lượng sinh khối đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2019, tổng năng lượng sinh khối tại Việt Nam đạt 104.4 triệu tấn. Trong đó, các nguồn tạo năng lượng sinh khối bao gồm:

  • Rơm rạ chiếm 32%
  • Củi đốt chiếm 30.3%
  • Ngô tạp chiếm 18.5%
  • Trấu chiếm 6.6%
  • Bã mía chiếm 4.4%
  • Một số nguyên liệu khác chiếm 6.2% (rác mía, thân sắn, vỏ lạc, vỏ dừa, cà phê trấu)

Nước ta có nền nông nghiệp phát triển mạnh, do đó, tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối ở Việt Nam rất lớn. 

năng lượng sinh khối ở việt nam, hình ảnh các bể sản xuất năng lượng sinh khối
Thực trạng sử dụng năng lượng sinh khối tại Việt Nam như thế nào? (Nguồn: manfredxy)

Mặc dù có nhiều điều kiện để phát triển, tuy nhiên việc nghiên cứu và áp dụng rộng rãi năng lượng sinh khối vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân như:

  • Chưa có chiến lược, kế hoạch cụ thể về việc phát triển và khai thác hiệu quả các nguồn sinh khối.
  • Thiếu sự hợp tác và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ ngành và các tổ chức liên quan đang gây khó khăn trong việc xây dựng và triển khai chính sách quốc gia về công nghệ sinh khối và năng lượng tái tạo.
  • Nguồn ngân sách dành cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh khối còn hạn chế, cùng với hệ thống quản lý chưa hiệu quả, đang cản trở tiến trình này.
  • Nhận thức của người dân về lợi ích và cách sử dụng năng lượng sinh khối cũng như các công nghệ liên quan còn hạn chế, ảnh hưởng đến sự phổ biến và ứng dụng nguồn năng lượng này.
  • Các mô hình ứng dụng thành công và đáng tin cậy còn hạn chế dẫn đến việc phổ biến rộng rãi nguồn năng lượng này gặp nhiều thách thức.

Giải pháp phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam

Việc phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có của quốc gia, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. 

Bên cạnh đó, những tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang dần trở nên nghiêm trọng. Việc ứng dụng rộng rãi nguồn năng lượng sinh khối vào thực tế có thể góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực này.

Để phát triển năng lượng sinh khối tại nước ta, các chuyên gia cho biết, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển cụ thể, đồng thời huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

tính ứng dụng của năng lượng sinh khối, hình ảnh các viên gỗ ép đang cháy
Các giải pháp phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam (Nguồn: Tiero)

Bên cạnh đó, cần thực hiện nâng cấp công nghệ như sấy và phát điện dung sinh khối, khí sinh học. Hiện nay, tỷ lệ năng lượng sinh khối được sử dụng trong đun nấu đang chiếm phần lớn, do vậy, việc phát triển một dự án quốc gia về bếp cải tiến sẽ mang lại hiệu quả to lớn, giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và cách sử dụng năng lượng sinh khối một cách hiệu quả.

Đọc thêm: Năng Lượng Mặt Trời Là Gì? Tận Dụng Nguồn Năng Lượng Sạch Để Bảo Vệ Tài Nguyên Thiên Nhiên

Tạm kết

Trên đây là những chia sẻ về chủ đề “Năng lượng sinh khối là gì?” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn thú vị về nguồn năng lượng thay thế tiềm năng này.

Nếu bạn có thêm bất kỳ thông tin chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach