BlogMôi TrườngTầm Quan Trọng Của Năng Lượng Sạch

Tầm Quan Trọng Của Năng Lượng Sạch

Năng lượng sạch là gì? Năng lượng sạch có ý nghĩa như thế nào? Năng lượng sạch là một nguồn năng lượng thay thế tuyệt vời, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống con người. Để tìm hiểu chi tiết hơn, mời bạn cùng Oreka tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.

Năng lượng sạch là gì?

Năng lượng sạch được coi là một giải pháp hiệu quả góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường trong việc khai thác và sử dụng năng lượng hiện nay.

năng lượng sạch là gì, hình ảnh tuabin điện gió và các tấm năng lượng mặt trời đang hoạt động
Năng lượng sạch là gì? (Nguồn: Getty Images)

Năng lượng sạch đề cập đến những dạng năng lượng không gây ra ô nhiễm không khí, và có thể tái tạo được tự nhiên, chẳng hạn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Năng lượng sạch tiếng Anh là gì? Trong tiếng Anh, thuật ngữ này là “clean energy”.

Năng lượng sạch bao gồm những loại nào? Theo đó, các nguồn năng lượng sạch gồm có:

Năng lượng sinh khối hay còn được gọi là biomass

Năng lượng này được tạo ra từ thực vật, chẳng hạn như gỗ, bã mía, trấu, v.v. Chúng được sử dụng để cung cấp năng lượng sạch cho các nhà máy sản xuất bằng việc đốt trực tiếp bên trong buồng đốt của hệ thống lò hơi. Nguồn năng lượng này đang chiếm khoảng 15% tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, năng lượng sinh khối vẫn chưa thực sự phổ biến. Với những lợi thế của nền nông nghiệp, biomass có thể là một nguồn năng lượng sạch tiềm năng của nước ta, cung cấp năng lượng dồi dào và góp phần bảo vệ môi trường.

Năng lượng mặt trời

Nguồn năng lượng này đang được ứng dụng khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại quốc gia có tần suất nắng cao.

Năng lượng mặt trời đến từ các tia bức xạ nhiệt của mặt trời lên Trái Đất. Đây là một nguồn năng lượng tái tạo, ít gây ra chất thải ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống con người. Bởi vậy, năng lượng mặt trời đang thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, và có quy mô lớn nhất trong các nguồn năng lượng tái tạo còn lại.

Năng lượng gió

Từ lâu, năng lượng gió đã được ông bà ta ứng dụng để làm quay các cối xay để xay bột, bơm nước, v.v.

Hiện nay, dưới sự phát triển của công nghệ hiện đại, năng lượng gió đang được tận dụng để chuyển thành điện năng

các nguồn năng lượng sạch
Có những nguồn năng lượng sạch nào? (Nguồn: Getty Images)

Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng gió, như bờ biển dài, lượng gió nhiều và phân bố quanh năm, v.v. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng các dự án điện gió tại Bình Thuận, Gia Lai, Bạc Liêu, v.v.

Năng lượng địa nhiệt

Năng lượng địa nhiệt được hình thành từ hoạt động phân hủy phóng xạ của khoáng vật, và nguồn nhiệt mặt trời nằm sâu dưới các hòn đảo, núi lửa.

Để khai thác nguồn năng lượng này, người ta tiến hành hút nước nóng từ hàng nghìn mét dưới lòng đất để làm quay các tuabin điện 

Các quốc gia dẫn đầu trong hoạt động khai thác năng lượng địa nhiệt có thể kể đến như Mỹ, Philippines, Indonesia. Tại Việt Nam, hiện chưa có hoặc rất ít điều kiện thuận lợi để khai thác nguồn năng lượng này.

Năng lượng nước

Nước cũng được coi là một nguồn năng lượng sạch tiềm năng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như thủy điện, bơm nước, v.v.

Khí methane hydrate

Đây là một chất khí được tìm thấy trong các lớp băng vĩnh cửu nằm sau trong lòng đại dương, có màu trắng. Khí methane hydrate hoạt động ổn định trong điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất cao. 

Chất khí này được kỳ vọng có thể thay thế cho than đá, dầu mỏ trong việc tạo ra năng lượng.

Năng lượng từ việc lên men sinh học

Quá trình lên men chất thải sinh hoạt có thể phát sinh khí Metan (CH4).

Năng lượng sinh học được tạo từ quá trình lên men và sẽ được ứng dụng để cung cấp cho máy phát điện. Phần chất thải còn lại được sử dụng làm phân bón trong nông nghiệp. 

Pin nhiên liệu 

Cơ chế tạo ra điện của pin nhiên thông qua phản ứng giữa hydro và oxy. Trong khi đó, đây là hai loại khí có sẵn trong tự nhiên, và không gây ra những vấn đề tiêu cực cho môi trường. 

Nhật Bản đang là một trong quốc gia dẫn đầu trong việc ứng dụng năng lượng này, đặc biệt trong các phương tiện giao thông, thiết bị dân dụng.

Tầm quan trọng của năng lượng sạch

Đối với con người

Việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sạch giúp giảm bớt các động tiêu cực đến môi trường, nhờ đó tạo ra một môi trường sống lành mạnh hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. 

Ví dụ, việc phát triển sản xuất điện từ nguồn năng lượng sạch giúp giảm bớt tỷ trọng sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện và thủy điện. Qua đó, cắt giảm phần nào lượng khí thải carbon thải ra môi trường. 

Trong quý I/2023 nhiệt điện đóng góp 45.3% sản lượng điện; thủy điện chiếm 24.9%; năng lượng tái tạo đạt 16.5%; tuabin khí đạt 11.6%; điện nhập khẩu chiếm 1.5%.

Đối với nền kinh tế

Năng lượng sạch là nguồn năng lượng tái tạo, và có sẵn trong tự nhiên. Trong khi các nhiên liệu hóa thạch đều có thể bị cạn kiệt, đặc biệt nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện tại, trữ lượng khai thác sẽ nhanh chóng kết thúc.

Việc tận dụng năng lượng xanh giúp các tổ chức/doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí nhiên liệu.

Hơn nữa, do các năng lượng này ít thải ra chất thải ảnh hưởng tới môi trường, nên sẽ tiết kiệm nhiều chi phí liên quan đến việc khắc phục sự cố môi trường.

Đối với môi trường

Đây là một vai trò cực kỳ quan trọng của năng lượng sạch trong bối cảnh hiện nay. Việc sử dụng năng lượng xanh giúp giảm thiểu hiệu quả khí nhà kính.

Thực tế, khi lắp một hệ thống điện mặt trời công suất 1MWp trên mái của nhà máy của doanh nghiệp sẽ tạo ra 120-150 nghìn kWh điện/tháng, qua đó giúp giảm phát thải khoảng 1.000 tấn CO2 mỗi năm và tương đương với việc trồng hơn 17.000 cây xanh/năm.

Đọc thêm: Net Zero Là Gì? Cách Để Đạt Được Net Zero

Thực trạng sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam

Được đánh giá cao về tiềm năng nhưng việc nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch tại nước vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến năm 2021, tổng công suất các nguồn năng lượng xanh đạt 22.300 MW, chiếm tỷ trong khoảng 28% so với khả năng cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia.

năng lượng sạch tiếng anh, hình ảnh các tấm pin năng lượng mặt trời được đặt trên mái nhà
Thực trạng sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam (Nguồn: Getty Images)

Có thể thấy, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng mức năng lượng quốc gia hiện còn rất hạn chế, các dự án được đầu tư còn ít. Dù vẫn tồn tại nhiều rào cản phía trước, tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng, khi nền kinh tế xanh đang được ưu tiên hàng đầu, việc tiêu thụ năng lượng sạch sẽ ngày càng được quan tâm hơn.

Tiềm năng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam

Nước ta đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 40% vào năm 2045 (Theo kế hoạch Quy hoạch và Phát triển Điện lực Quốc gia (2021 – 2030)). Một số những điểm thuận lợi trong việc phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam có thể kể đến như:

Trên cả nước hiện có hơn 1000 điểm có tiềm năng phát triển thủy điện với khả năng cung cấp năng lượng lớn, trên 7000MW.

Nước ta có bờ biển dài, lượng gió ổn định, đây là một cơ hội tuyệt vời để xây dựng ngành công nghiệp năng lượng gió lớn nhất khu vực ASEAN, với 513.360 MW (tương đương với 10 lần năng lực cấp điện của ngành điện năm 2020).

Bên cạnh đó, nước ta là một nước nông nghiệp có nhiều tiềm năng để phát triển và ứng dụng nguồn nhiên liệu sinh khối, ước tính khoảng 60 triệu tấn biomass mỗi năm.

Năng lượng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng xanh được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ tại nước ta. Khu vực miền Trung và miền Nam nước ta đón lượng nhiệt năng lớn từ mặt trời lên đến 44 tỷ TOE. Việt Nam đã triển khai gần 90 dự án điện năng lượng mặt trời công suất trên 5000 MW.  

Bộ Công Thương khẳng định, “Quy hoạch điện VIII nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân là khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2031-2045.”

Đọc thêm: Carbon Footprint Là Gì? Làm Thế Nào Để Giảm Thiểu Dấu Chân Carbon?

Rào cản thách thức sự phát triển của năng lượng sạch

Đâu là rào cản phát triển của năng lượng sạch tại nước ta? Dưới đây là một số thách thức mà nước ta đang gặp phải:

  • Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, điều này gây ra khó khăn về nguồn vốn trong việc đầu tư.
  • Hạn chế trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến cho các nguồn năng lượng tái tạo.
  • Hạ tầng điện lực và mạng lưới điện nước ta vẫn còn hạn chế và chưa có khả năng đáp ứng yêu cầu từ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. 
  • Năng lượng tái tạo không có tính ổn định, điều này gây ra một số khó khăn trong khâu tích trữ và quản lý điện từ nguồn.
  • Nhận thức về lợi ích và tiềm năng của năng lượng tái tạo của người dân và doanh nghiệp còn khá mơ hồ và hạn chế.

Giải pháp phát triển nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam

Để phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam, dưới đây là một số giải pháp được trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ:

  • Nước ta cần hoàn thiện pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch. 
  • Huy động các nguồn lực phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.
  • Nâng cao nhận thức của người dân về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng năng lượng sạch và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn năng lượng tại Việt Nam.
  • Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, hoàn thiện tạo thuận lợi về thủ tục đối với phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại nước ta.
  • Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng sạch.
  • Khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ cho lĩnh vực năng lượng sạch.
  • Phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam.

Tạm kết

Trên đây là những chia sẻ về đề “Năng lượng sạch là gì?” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn mới về nguồn năng lượng đặc biệt này.

Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach