Marketing xanh là gì? Làm thế nào để triển khai một chiến dịch marketing xanh đạt hiệu quả? 4Ps trong marketing xanh có thể được áp dụng như thế nào? Để trả lời những thắc mắc của mình về chủ đề này, mời bạn cùng Oreka khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Khái niệm marketing xanh là gì?
Marketing xanh hay green marketing là một xu hướng marketing mới hiện nay, được nhiều thương hiệu ưu tiên áp dụng. Vậy marketing xanh là gì?
Khái niệm này được Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ định nghĩa như sau ““Green Marketing” hay “Tiếp thị xanh” là những hoạt động marketing cho sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên các yếu tố hoặc nhận thức thân thiện với môi trường.”
Ý thức về bảo vệ môi trường của công chúng đang dần được tăng lên, do đó, không quá khó hiểu khi nhiều thương hiệu đang lựa chọn theo hướng phát triển xanh, marketing xanh.
Ví dụ về hoạt động marketing xanh có thể kể đến như, doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với môi trường bằng việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, không thí nghiệm trên động vật, v.v.
Marketing xanh khuyến khích khách hàng tiêu dùng các sản phẩm xanh, đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn.
Bên cạnh đó, marketing xanh có thể coi là một hoạt động marketing xã hội trong việc thay đổi và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ màu xanh của trái đất đến cộng động.
Lợi ích của marketing xanh
Marketing xanh mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.
Đối với doanh nghiệp
- Nâng cao danh tiếng và hình ảnh của thương hiệu: Việc doanh nghiệp áp dụng marketing xanh, điều này phản ánh phần nào trách nhiệm của họ đối với môi trường. Qua đó, giúp cải thiện danh tiếng của thương hiệu, nuôi dưỡng sự tin tưởng và lòng trung thành của khách hàng.
- Gia tăng doanh thu và thị phần: Khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm bền vững, và thân thiện với môi trường.
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh: Việc doanh nghiệp triển khai marketing xanh có thể tạo ra lợi thế và điểm khác biệt với các đối thủ cạnh tranh, định vị thương hiệu sâu hơn tâm trí khách hàng.
- Đảm bảo các mục tiêu phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
Đối với khách hàng
- Được tiêu dùng các sản phẩm/dịch vụ chất lượng, an toàn cho sức khỏe và môi trường.
- Giúp người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua sắm nhanh hơn. Các nghiên cứu cho thấy một bộ phận đáng kể người tiêu dùng (77%) xem xét các hoạt động bền vững của một thương hiệu khi đưa ra quyết định mua hàng.
- Góp phần tạo nên một môi trường sống xanh, và bền vững đảm bảo cuộc sống hạnh phúc của con người.
- Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động bảo vệ môi trường.
Điều kiện để marketing xanh phát triển?
Những tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đến cuộc sống con người ngày càng nghiêm trọng. Từ đây, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm có lợi cho môi trường, và thái độ với các sản phẩm xanh cũng tăng lên đáng kể.
Để thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng về sự biến đổi của các yếu tố tự nhiên, cũng như làm rõ về việc kinh doanh phải gắn liền với trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp, chính phủ và các cơ quan liên quan tại nhiều nước đã có những chính sách khuyến khích phù hợp.
Khi nhu cầu của khách hàng về sản phẩm xanh và ý thức về việc bảo vệ môi trường đang tăng lên, cùng với chính sách hỗ trợ kinh doanh của chính phủ, đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp lựa chọn hướng kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp trong sứ mệnh bảo vệ môi trường.
Các yếu tố trong chiến lược marketing xanh
Trong nghiên cứu “Ảnh hưởng của chiến lược tiếp thị 4Ps xanh đến quyết định mua sản phẩm xanh: Nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam” của hai tác giả Văn Đức Chí Vũ và Nguyễn Viết Bằng cho thấy, các yếu tố marketing mix 4Ps xanh có ảnh hướng đến hành vi mua xanh của khách hàng.
Sản phẩm xanh
Sản phẩm xanh là gì? Sản phẩm xanh bao gồm các sản phẩm thân thiện với môi trường, hệ sinh thái. The Shah và Pillai (2012), sản phẩm xanh là các sản phẩm không gây ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hay phá hủy tài nguyên thiên nhiên.
Một sản phẩm xanh có thể được tạo ra từ vật liệu tái tạo, không thử nghiệm trên động vật, tiết kiệm năng lượng, tạo ra từ sản xuất hữu cơ, v.v.
Kết quả nghiên cứu từ “Ảnh hưởng của chiến lược tiếp thị 4Ps xanh đến quyết định mua sản phẩm xanh: Nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam” của hai tác giả Văn Đức Chí Vũ và Nguyễn Viết Bằng cho thấy, sản phẩm xanh có ảnh hưởng tích cực đến hành vi mua xanh của khách hàng. Một nghiên cứu khác của Chen & Chai vào năm 2010 chỉ ra rằng, việc thiếu kiến thức về sản phẩm có thể ngăn cản người tiêu dùng cam kết mua sản phẩm xanh.
Giá xanh
Nhiều khách hàng quyết định trả nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong nghiên cứu của mình năm 2012 Martin & Schouten chỉ ra rằng, chương trình định giá xanh liên quan đến các thông lệ định giá giải quyết chi phí kinh tế và chi phí môi trường quá trình sản xuất cũng như tiếp thị, trong việc cung cấp giá trị cho khách hàng và lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp.
Phân phối xanh
Phân phối xanh được hiểu là một hệ thống phân phối sản phẩm từ nhà máy đến người dùng cuối cùng ít gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường nhất.
Chẳng hạn, các sản phẩm được vận chuyển bằng hệ thống xe tải bằng điện, mở thêm nhiều cửa hàng để tiết kiệm thời gian di chuyển cho khách hàng hơn, các cửa hàng được xây dựng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, v.v.
Truyền thông xanh
Truyền thông xanh có mục tiêu thay đổi nhận thức và khuyến khích hành vi tiêu dùng xanh của khách hàng. Chẳng hạn, quảng cáo gửi thông điệp đến người dùng hãy vứt vỏ chai đúng nơi quy định để tái chế.
Kết quả nghiên cứu từ “Ảnh hưởng của chiến lược tiếp thị 4Ps xanh đến quyết định mua sản phẩm xanh: Nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam” của hai tác giả Văn Đức Chí Vũ và Nguyễn Viết Bằng, biến “Tôi biết đến sản phẩm xanh qua các kênh truyền thông” có giá trị trung bình cao nhất (mean = 4.16). Qua đây cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên tương tác và tìm kiếm thông tin về các sản phẩm xanh thông qua mạng xã hội (như Facebook, Instagram, Zalo, …) dẫn đến việc mua các sản phẩm xanh.
Xu hướng green marketing trong tương lai
Một vài xu hướng marketing xanh trong tương lai có thể kể đến như:
- Doanh nghiệp tích cực tổ chức các chiến dịch CSR thể hiện sự cam kết trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.
- Thiết kế và phát triển bao bì thân thiện với môi trường.
- Xây dựng chuỗi cung xanh
- Nội dung marketing hướng đến việc thay đổi nhận thức của công chúng mục tiêu về tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
- Hợp tác với người ảnh hưởng để lan tỏa các thông tin về lối sống trách nhiệm với môi trường, sống xanh, sống bền vững.
- Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, triển khai các chương trình thu hồi và khuyến khích tái chế, tái sử dụng.
- Hợp tác với chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận cùng giải quyết những vấn đề môi trường.
- Tạo ra các sản phẩm/dịch vụ xanh chất lượng, giá cả phải chăng với người tiêu dùng.
Lưu ý khi triển khai chiến lược marketing xanh
Để chiến lược marketing xanh đạt hiệu quả tốt, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng bằng việc thực hiện nghiên cứu marketing cẩn thận.
- “Xanh” trọn cả quy trình từ khi sản xuất đến khi đưa tới tay người tiêu dùng, và sau khi chúng không còn sử dụng.
- Cân đối mức chi phí để vừa đảm bảo lợi nhuận vừa phù hợp túi tiền người tiêu dùng.
- Thể hiện sự minh bạch thông tin về sản phẩm/ dịch vụ xanh và thân thiện với môi trường.
Tạm kết
Trên đây là một số chia sẻ về chủ đề “Marketing xanh là gì?” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Mong rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích, cũng như có thêm nhiều góc nhìn mới về xu hướng marketing mới mẻ này.
Nếu bạn có thêm bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để được Oreka giải đáp chi tiết nhé.