BlogMôi TrườngKinh Tế Xanh Là Gì? 5 Nguyên Tắc Của Nền Kinh Tế Xanh

Kinh Tế Xanh Là Gì? 5 Nguyên Tắc Của Nền Kinh Tế Xanh

Kinh tế xanh sẽ là xu hướng phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Vậy kinh tế xanh được hiểu là gì? Các nguyên tắc của nền kinh tế xanh là gì? Để tìm hiểu kỹ hơn, mời bạn cùng Oreka tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé. 

Kinh tế xanh là gì? 

Kinh tế xanh là gì? Theo đó, Ngân hàng Thế giới năm 2012, định nghĩa khái niệm này như sau “Kinh tế xanh là phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”. 

Vậy, nền kinh tế xanh là gì? Chương trình Môi trường Liên hợp quốc định nghĩa khái niệm “Nền kinh tế xanh là nền kinh tế ít carbon, tiết kiệm tài nguyên và hòa nhập xã hội” (UNEP, 2011).

nền kinh tế xanh là gì
Nền kinh tế xanh là gì? (Nguồn: Getty Images)

Đặc điểm của nền kinh tế xanh 

Dưới đây là một vài đặc điểm của nền kinh tế xanh:

Triển khai phương án giao thông sạch

Các chính sách kinh tế xanh yêu cầu tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên trong tất cả lĩnh vực, trong đó bao gồm lĩnh vực giao thông vận tải. 

Các phương tiện giao thông phải sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường hơn so với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tiêu chuẩn công trình xanh

Kiến trúc và xây dựng bền vững là một giải pháp hiệu quả để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và duy trì tính bền vững môi trường. Bên cạnh đó, ở cấp độ kinh tế, việc phát triển xây dựng theo hướng này có thể khuyến khích sự phát triển của toàn nền kinh tế.

Các nguồn năng lượng tái tạo

Năng lượng sạch là nguồn tài nguyên cần thiết để đạt được nền kinh tế xanh. Từ việc chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo cho các phương tiện giao thông, các doanh nghiệp cũng cần cải tiến nhà máy và quy trình sản xuất để sử dụng nguồn nhiên liệu bền vững hơn.  

Quản lý tài nguyên bền vững

Trong nền kinh tế xanh, mỗi người cần có ý thức trong việc giảm thiểu tối thiểu lượng rác thải ra môi trường, thông qua việc tái chế, tái sử dụng, v.v.

Ý nghĩa của nền kinh tế xanh

Nền kinh tế xanh mang lại ý nghĩa quan trọng về khía cạnh tài chính và môi trường.

  • Khuyến khích sự phát triển bền vững: Kinh tế xanh đặt nền tảng thiết lập và hiện thực mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được điều này, các thực tế kinh tế phải sử dụng nguồn tài nguyên thiên một cách có trách nhiệm, chú ý đến khả năng tái tạo của chúng. Điều này đảm bảo cả hiện tại và trong tương lai, con người vẫn được hưởng những lợi ích từ nguồn tài nguyên này.
  • Hỗ trợ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu: Bằng việc thúc đẩy nền kinh tế theo hướng xanh hơn, chính phủ và tư nhân làm việc với nhau để hiện thực mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu hiệu quả. Bằng việc giảm thiểu lượng khí nhà kính trong sản xuất và vận tải, dân số thế giới kỳ vọng có thể tránh được những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
  • Cải thiện hệ sinh thái: Duy trì tính ổn định của hệ sinh thái là lợi ích tiếp theo mà nền kinh tế xanh mang lại. Khi đó, cuộc sống của con người, động thực vật được duy trì ở mức cân bằng, tất cả những yếu tố này đều quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển.  
  • Gia tăng tính công bằng: Tài chính xanh và phát triển kinh tế tìm cách để đảm bảo tính cân bằng cho tất cả mọi người trên toàn cầu. Thay vì đặt gánh nặng lên các nước đang phát triển, các nhà kinh tế xanh khẳng định các nước công nghiệp nên gánh vác phần trách nhiệm lớn hơn để quá trình chuyển đổi kinh tế và năng lượng sang công nghệ xanh hơn. Điều này cho phép, cộng đồng quốc tế theo đuổi mục tiêu xóa đói giảm nghèo cùng với nhiều sáng kiến môi trường truyền thống hơn.

5 nguyên tắc của nền kinh tế xanh

Nguyên tắc an sinh

Nền kinh tế xanh cho phép mọi người tạo ra và tận hưởng sự giàu có. 

  • Nền kinh tế xanh lấy con người làm trọng tâm, nó theo đuổi mục tiêu tạo ra sự thịnh vượng chung và thực tế.
  • Nó tập trung vào việc gia tăng sự giàu có, không chỉ ở khía cạnh tiền bạc mà gồm đầy đủ các nguồn vốn của con người, xã hội, vật chất và tự nhiên.
  • Nền kinh tế xanh ưu tiên đầu tư vào các hệ thống tự nhiên bền vững, cơ sở hạ tầng, giáo dục cần thiết để con người tạo ra của cải.
  • Nó mang đến các cơ hội cuộc sống, công việc xanh và bền vững hơn.
  • Nó được hình thành hành động tập thể vì lợi ích của cộng động, tuy nhiên vẫn dựa trên lựa chọn mang tính cá nhân.
kinh tế xanh kinh tế tuần hoàn
5 nguyên tắc phát triển nền kinh tế xanh (Nguồn: Getty Images)

Nguyên tắc công bằng

Nền kinh tế xanh thúc đẩy sự công bằng giữa các thế hệ.

  • Nền kinh tế xanh chia sẻ việc đưa ra quyết định, lợi ích, và chi phí một cách công bằng, hạn chế sự phân biệt giữa các tầng lớp, đặc biệt hỗ trợ quyền của phụ nữ.
  • Thúc đẩy sự phân bổ công bằng của cơ hội và kết quả, giảm thiểu sự chênh lệch giữa con người với nhau, đồng thời tạo ra không gian sống hợp lý cho động vật hoang dã.
  • Nền kinh tế xanh hướng tới một tầm nhìn dài hạn, tạo ra của cải và sự phục hồi đáp ứng lợi ích của thế hệ cư dân tương lai, trong khi đó, hành động kịp thời để giải quyết các vấn đề nghèo đói và bất công đa chiều hiện nay.
  • Nền kinh tế xanh được dựa trên tinh thần đoàn kết và công bằng xã hội, tăng cường lòng tin và thắt chặt các mối quan hệ xã hội, ủng hộ quyền con người, người lao động, người dân bản địa và các dân tộc thiểu số, cùng như quyền phát triển bền vững.
  • Thúc đẩy sức mạnh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), doanh nghiệp xã hội, cũng như các hình thức kiếm sống theo hướng bền vững.
  • Khuyến khích tìm kiếm một sự chuyển đổi nhanh chóng, công bằng với chi phí hợp lý, không để ai bị bỏ lại phía sau, nỗ lực tạo điều kiện cho các nhóm dễ bị tổn thương trở thành một phần của quá trình chuyển đổi, và tiến hành đổi mới trong bảo trợ xã hội và reskilling.

Nguyên tắc ranh giới hành tinh

Nền kinh tế xanh bảo vệ, phục hồi và đầu tư vào tự nhiên. 

  • Bảo vệ và phát triển các giá trị của thiên nhiên.
  • Nhận thức rõ ràng về khả năng thay thế hạn chế của nguồn lực thiên nhiên.
  • Đầu tư trong việc bảo vệ, phát triển và khôi phục đa dạng sinh học.
  • Đổi mới cách quản lý các hệ thống tự nhiên một cách hiệu quả hơn.

Nguyên tắc hiệu quả và đầy đủ

Nền kinh tế xanh hướng đến việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững.

  • Đây là nền kinh tế ít carbon, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
  • Nhận thức về việc cần có một giải pháp hạn chế tiêu thụ tài nguyên bền vững về mặt vật lý.
  • Thực hiện điều chỉnh giá, trợ cấp và ưu đãi với chi phí thực sự mà xã hội phải gánh chịu.

Nguyên tắc quản trị tốt

Nền kinh tế xanh được định hướng bởi các thể chế tích hợp, trách nhiệm và linh hoạt. 

  • Nền kinh tế này mang tính liên ngành, triển khai cả khoa học và kinh tế phù hợp với kiến thức địa phương cho chiến lược thích ứng.
  • Được ủng hộ và hỗ trợ bởi các tổ chức được tích hợp, cộng tác và gắn kết theo chiều ngang của các ngành và chiều dọc các cấp chính phủ. Bên cạnh đó, các tổ chức này có đủ năng lực để đáp ứng vai trò của mình một cách hiệu quả. 
  • Yêu cầu sự tham gia của cộng đồng.
  • Khuyến khích việc ra quyết định phân cấp cho các nền kinh tế địa phương và quản lý các hệ thống tự nhiên, trong khi duy trì các tiêu chuẩn, thủ tục và hệ thống tuân thủ.
  • Xây dựng hệ thống tài chính bền vững, phục vụ cho sự an toàn lợi ích xã hội.

Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Cơ hội

Sau đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tốt. Năm 2022, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8%, năm 2023 đạt 5.05%. Do đó, định hướng của nước ta trong việc phát triển kinh tế xanh là hoàn toàn có thể hiện thực hóa dựa trên sự tăng trưởng hiện tại.

Một số cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam có thể kể đến như: 

  • Nhằm hiện thực hiện hóa mục tiêu này, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm khí nhà kính.
  • Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, nước ta xếp thứ 8/10 quốc gia có mức đầu tư vào năng lượng cao nhất toàn cầu, với tổng vốn đầu tư khoảng 7.4 tỷ USD.
  • Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam đã cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
  • Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới và đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh doanh theo chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững, và thân thiện với môi trường.
  • Trong lĩnh vực nông nghiệp, xu hướng sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch, tốt cho sức khỏe và môi trường ngày càng lớn, khuyến khích người nông dân chuyển hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ hằng năm đạt 335 triệu USD gấp 15 lần so với năm 2010, và có mặt tại 180 quốc gia. 
Kinh tế xanh ở Việt Nam
Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam (Nguồn: Getty Images)

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội hấp dẫn, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cũng vướng nhiều khó khăn và thách thức.

  • Một trong những thách thức lớn khi chuyển đổi sang kinh tế xanh là chi phí tài chính đòi hỏi rất lớn. Tính toán của Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng thế giới chỉ ra, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030.
  • Việc chuyển dịch phát triển theo hướng xanh yêu cầu khả năng ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh, trong khi đó, việc áp dụng công nghệ cao trong công nghiệp và nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa có cơ hội được tiếp cận với kiến thức, công nghệ tiến tiến của nước ngoài, và chưa có đủ tài chính để ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất, kinh doanh của mình.
  • Rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ áp dụng các rào cản về môi trường, khí hậu, chẳng hạn như thuế carbon của EU. Điều này có thể là một rào cản đối với Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm hàng hóa qua các thị trường khó tính. Tuy vậy, đây cũng là động lực để nước ta nâng cao chất lượng sản phẩm.
  • Nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế xanh còn hạn chế cũng được coi là những thách thức rất lớn khi chuyển đổi sang kinh tế xanh. 

Đọc thêm: Nguyên Tắc 3R Là Gì? Giải Pháp Thực Hiện 3R Tại Việt Nam

Giải pháp phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam

Nhằm khắc phục những hạn chế, và tận dụng tối đa những cơ hội trong quá trình phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Dưới đây là một số giải pháp phát triển kinh tế xanh tại nước ta.

  • Nước ta cần hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế xanh và nhận lợi ích từ mô hình này.
  • Chính phủ cần đầu tư thêm nguồn lực vào nỗ lực phát triển và ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế; đảm bảo cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về ô nhiễm môi trường và khí hậu.
  • Tiến hành bồi dưỡng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển xanh thông qua các buổi hội thảo, diễn đàn, v.v.
  • Thu hút nguồn lực trong và ngoài nước vào quá trình chuyển dịch sang tăng trưởng xanh của quốc gia.

Đọc thêm: Những Việc Làm Bảo Vệ Môi Trường Ai Cũng Có Thể Làm

Các câu hỏi thường gặp

Kinh tế nâu là gì?

Kinh tế nâu được hiểu là nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào các loại nhiên liệu hóa thạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hủy hoại mô trường và không xem xét các vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Kinh tế biển xanh là gì?

Kinh tế biển xanh được hiểu là việc sử dụng bền vững các tài nguyên từ đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, việc làm, cũng như sức khỏe của hệ sinh thái đại dương.

Tạm kết

Trên đây là những chia sẻ về chủ đề “Nền kinh tế xanh là gì?” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích về nền kinh tế tương lai này.

Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach