BlogMôi TrườngThực Trạng Ngành Công Nghiệp Khai Thác Than Đá Ở Việt Nam

Thực Trạng Ngành Công Nghiệp Khai Thác Than Đá Ở Việt Nam

Thực trạng khai thác than đá tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào? Làm thế nào để khai thác than bền vững hơn? Để hiểu hơn về chủ đề này, mời bạn cùng Oreka khám phá chi tiết trong bài viết này nhé.

Than đá là gì?

Than đá là một loại nhiên liệu hóa thạch, một loại trầm tích có màu đen hoặc nâu đen thường xuất hiện ở các tầng đá gồm nhiều lớp hoặc mạch mỏ. 

than đá dùng để làm gì, hình ảnh mỏ than đang được khai thác, dây chuyền đang vận chuyển than lên toa tầu
Than đá là gì? (Nguồn: Getty Images)

Theo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, trữ lượng than ở nước ta khoảng 50 tỷ tấn, trong đó 3.7 tỷ tấn có khả năng khai thác. 

Than khoáng sản ở nước ta phân bố chủ yếu ở đâu? Theo đó, trữ lượng than lớn nhất đang phân bổ tại bể than Đông Bắc và bể than Sông Hồng, các mỏ than ở các tỉnh khác có trữ lượng khoảng 400 triệu tấn.

Đọc thêm: Các Loại Khoáng Sản Ở Việt Nam

Đặc điểm của than đá là gì?

Một số đặc điểm của than đá có thể kể đến như:

  • Màu sắc chủ yếu là đen, ngoài ra cũng có thêm một số màu khác như: nâu, ánh bạc, vàng, xỉn, v.v.
  • Độ cứng cao và nặng, tỷ lệ carbon 75 – 95%, chỉ có khoảng 5 – 6% độ ẩm.
  • Nhiệt lượng cháy khoảng 5500 – 7500 kcal/kg.
  • Hình dáng của than phụ thuộc vào tuổi than, hiện nay còn chúng còn phụ thuộc vào cách khai thác, chế biến, máy móc sử dụng để khai thác.

Phân loại than đá

Theo mục đích sử dụng, than đá được chia thành hai loại chính bao gồm: 

  • Than luyện kim: Đây là nguyên liệu được quan trọng được sử dụng trong ngành sản xuất thép.
  • Than nhiệt: Dùng trong sản xuất điện và sản xuất xi măng.

Theo đặc điểm hình thái được chia làm 3 loại chính bao gồm: 

  • Than cục: Loại than này có thể được chia tiếp thành nhiều loại khác như than cục xô, than cục hai, than cục ba, than cục bốn, than cục năm, than cục sáu, than cục bảy, than cục tám, và một số loại khác.
  • Than bùn
  • Than cám bao gồm than cám 2a, than cám 2b, than cám 32, than cám 3c, than cám 3a, than cám 3b và một số loại khác.

Ứng dụng của than đá 

Than đá là một nguyên liệu quan trọng hiện nay, được ứng dụng trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Trong đó có thể kể đến một số vai trò như:

  • Ứng dụng trong công nghệ hóa khí: Khí hóa than được dùng để sản xuất khí tổng hợp như: CO (carbon mono oxit) và H2 (khí hydro). Các khí này được dùng để đốt tuabin sản xuất điện và một phần được chuyển thành nhiên liệu như xăng, dầu diesel hoặc dùng để sản xuất phân bón, sản phẩm hóa học khác như metal, olefin, axit axetic, v.v. 
  • Ứng dụng trong lĩnh vực luyện kim: Than đá được đốt cháy từ từ và giải phóng khí nhằm giảm áp suất trong khuôn khi kim loại nóng chảy. Điều này giúp ngăn chặn kim loại xâm nhập vào các khoảng trống của cát.
  • Dùng để chế biến thành than cốc: 70% lượng theo trên toàn cầu được sản xuất từ than cốc. Bên cạnh đó, đồng, nhôm, và một số kim loại khác cũng có thể được tạo ra than cốc.
  • Ứng dụng làm nhiên liệu đốt, năng lượng.
  • Sản xuất than tinh chế.
  • Một số ứng dụng khác như: nhiên liệu để sản xuất xi măng, hấp thụ các chất độc hại, nguyên liệu trong ngành hóa dược, dùng để điêu khắc tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, v.v. 

Thực trạng ngành công nghiệp khai thác than ở nước ta hiện nay 

Sau đại dịch, nền kinh tế dần phục hồi, nhu cầu tiêu thụ than ngày càng tăng lên

Theo nhận định của lãnh đạo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, giai đoạn 2017 – 2020, nhu cầu than antraxit lên đến 40 tấn/năm cho các nhà máy nhiệt điện. Trong giai đoạn 2021 – 2030, con số này dự kiến sẽ tăng lên 50 – 55 triệu tấn/năm.

ngành công nghiệp khai thác than ở nước ta hiện nay
Thực trạng ngành công nghiệp khai thác than ở nước ta hiện nay như thế nào? (Nguồn: No Glory’s Images)

Lý do dẫn đến sự gia tăng nhu cầu sử dụng than là do các nhà máy nhiệt điện chạy than mới được xây dựng trong thời gian qua, các ngành như sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, v.v, đang tăng trưởng trở lại sau đại dịch.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc gia tăng nhu cầu sử dụng than lớn trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến tình trạng thiếu than hiện hữu, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. 

Tại nước ta, hiện nay có hai đơn vị sản xuất và khai thác than là Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc với sản lượng trung bình mỗi năm đạt 40 – 41 triệu tấn/năm.

Nhu cầu than tăng lên đòi hỏi các đơn vị cung cấp cần tăng cường, đẩy mạnh hoạt động khai thác than. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho môi trường. Theo đó, việc khai thác than đá có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến rừng và hệ thực vật, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy trình khai thác hạn chế, không có hệ thống hút bụi tiêu chuẩn làm tăng hàm lượng bụi tại các mỏ than cao gấp 9 lần so với mức cho phép.

Bên cạnh đó, than là nguồn nhiên liệu không tái tạo, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện nay, trữ lượng than còn lại chỉ đủ để khai thác trong 4 năm nữa. (Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua/viet-nam-tiet-kiem-nang-luong-nham-muc-tieu-kep.html) 

Do đó, để đối phó với những thách thức này, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, chung ta cần mau chóng tìm ra hướng giải quyết hiệu quả. Trong phần dưới đây, Oreka sẽ chia sẻ đến bạn một số giải pháp khai thác và sử dụng than đá bền vững.

Giải pháp khai thác than đá bền vững tại Việt Nam

Định hướng phát triển ngành than

Vấn đề khai thác và sử dụng than hiệu quả là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trong “Chiến lượng Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2050” đã đề ra một số định hướng nhất định về việc phát triển ngành than tại khoản 3.b Điều 1 của Quyết định này như sau:

“b) Định hướng phát triển ngành than

– Đẩy mạnh công tác thăm dò đánh giá trữ lượng than trên mức -300m, và tìm kiếm sâu từ -400 đến -1100 tại vùng than Quảng Ninh.

– Khuyến khích các địa phương có các điểm than đầu tư thăm dò, để khai thác phục vụ cho nhu cầu tại chỗ.

– Tranh thủ các nguồn vốn để thăm dò đánh giá trữ lượng và nghiên cứu khả năng khai thác vùng than đồng bằng sông Hồng.

– Phát triển ngành Than ổn định, bền vững, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân; bảo đảm thị trường tiêu dùng than trong nước ổn định, dành một phần hợp lý xuất khẩu.

– Phát triển ngành Than phải gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

– Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác, sàng tuyển và phân phối than. Xây dựng lộ trình cổ phần hóa các công ty sản xuất than, tiến tới hình thành thị trường than.

Giải pháp khai thác than đá hiệu quả tại Việt Nam

Một số giải pháp đảm bảo khai thác hiệu quả tài nguyên than có thể kể đến như:

  • Thực hiện khai thác và sử dụng than một cách hiệu quả, tiết kiệm.
  • Đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ ngành than nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác. 
  • Đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng; đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhằm vận động quần chúng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường. 
  • Nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng sạch, bền vững và có khả năng thay thế nguồn năng lượng không tái tạo. 
  • Chú trọng nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ, đầu tư máy phun sương dập bụi cao áp; xây dựng các trạm rửa xe trước khi ra khỏi mỏ than.
  • Tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án, qua đó góp phần giảm áp lực độ cao, cũng như bảo đảm an toàn cho các bãi thải.
  • Trồng cây phủ xanh các khu vực khai thác than.
đặc điểm của than đá, hình ảnh bàn tay công nhân đang cầm một cục than đá trên bãi than
Giải pháp khai thác than bền vững tại Việt Nam (Nguồn: Getty Images)

Tạm kết

Trên đây là một số chia sẻ về chủ đề “Thực trạng khai thác than đá tại Việt Nam” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn hữu ích về chủ đề này.

Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach