Fast fashion là gì? Trong vài thập kỷ qua, Fast Fashion hay thời trang nhanh đã trở nên phổ biến, với các thương hiệu quen thuộc như Zara, H&M và Forever 21. Được ra đời vào năm 1990, giờ đây, thời trang nhanh đã thay đổi cách hàng triệu người tiêu dùng mua quần áo thế giới bằng cách luôn cập nhật các xu hướng thời trang mới nhất với mức giá phải chăng.
Chúng ta không thể phủ nhận những sức hút khó cưỡng từ thời trang nhanh, tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường, việc sử dụng Fast Fashion sẽ gây ra nhiều tác hại cho môi trường và xã hội. Vậy những hệ lụy đó là gì? Hãy cùng Oreka tìm hiểu nhé.
Nội dung
Fast fashion là gì?
Fast fashion hay thời trang nhanh là thuật ngữ để chỉ quần áo được sản xuất hàng loạt theo xu hướng và chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn. Những mẫu quần áo này được ý tưởng từ sàn catwalk hoặc văn hóa của người nổi tiếng và biến chúng thành xu hướng thời trang với tốc độ chóng mặt để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ thời trang.
Nhắc đến những “gã khổng lồ” trong ngành thời trang nhanh ở Việt Nam, chúng ta không thể không nói đến Zara hay H&M. Mỗi năm, Zara cho ra mắt thị trường khoảng 12.000 mẫu thiết kế mới và chỉ mất 15 ngày để hoàn thành các công đoạn từ sản xuất đến phân phối sản phẩm đến các hệ thống cửa hàng của hãng.
Sự thịnh hành của thời trang nhanh
Sự trỗi dậy của thời trang nhanh gắn liền với mạng xã hội và văn hóa của người nổi tiếng/ người ảnh hưởng (influencers. Ví dụ, khi một người nổi tiếng đăng một bức ảnh mặc một thiết kế mới và những người theo dõi (follower) sẽ ngay lập tức muốn có nó.
Nắm bắt được xu hướng này, các thương hiệu “thời trang ăn liền” vội vàng sản xuất hàng loạt và trở thành người đầu tiên cho ra mắt bộ sưu tập “hợp thời” này. Các thương hiệu thời trang nhanh thường nhắm đến giới trẻ – còn được gọi là Gen Z, những người thường hay thay đổi phong cách và dễ bị ảnh hưởng bởi người nổi tiếng hoặc tâm lý chạy theo xu thế đám đông.
Với những sức hút như tiện lợi (mua hàng hàng nhanh chóng chỉ với 1 cái click chuột), giá rẻ và luôn cập nhật theo xu hướng, fast fashion đã được hàng triệu các tín đồ thời trang đón nhận kể từ khi được phát triển.
Không những thỏa mãn được nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường thời trang nhanh còn mang lại những nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp. Giá trị của thị trường thời trang nhanh trên toàn thế giới được ước tính trị giá hơn 106 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng đáng kể trong những năm tiếp theo. Vào năm 2027, giá trị thị trường thời trang nhanh toàn cầu được dự báo sẽ đạt giá trị khoảng 185 tỷ đô la Mỹ.
Có thể thấy thời trang nhanh góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang trên toàn thế giới cũng như kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển đó là những hệ lụy không ngờ tới đến môi trường và xã hội:
Những tác hại của thời trang nhanh là gì?
Rất nhiều người tiêu dùng thông thái cho rằng thời trang nhanh là lãng phí. Khi tính đến chất lượng tay nghề, vật liệu, nhân công, thời gian quay vòng nhanh và lượng hàng tồn kho do tần suất cập nhật các xu hướng mới thường xuyên.
Tại Zara, nếu các mẫu thiết kế không được bán nhiều trong vòng một tuần sẽ được rút ra khỏi hệ thống cửa hàng, thay vào đó là các mẫu thiết kế mới hoàn toàn khác. Thật dễ dàng nhận thấy rằng sự lãng phí có thể xảy ra. Tuy nhiên hậu quả không chỉ dừng lại ở sự lãng phí, mà thời trang nhanh còn có tác hại đến môi trường và các khía cạnh khác của xã hội:
Fast Fashion ảnh hưởng đến môi trường sống
Tốc độ và nhu cầu không ngừng tăng đối với thời trang nhanh đang gây ra áp lực vô cùng lớn cho môi trường. Cùng nhìn những số liệu thống kê dưới đây để thấy được ảnh hưởng to lớn của thời trang nhanh đến môi trường như thế nào:
- Rác thải thời trang tăng chóng mặt vì mỗi bộ đồ chỉ được mặc 1-2 lần khi còn trend rồi bị ném đi. Mỗi năm, trái đất phải gánh chịu 42 triệu tấn rác thải từ ngành công nghiệp này.
- Gia tăng hiệu ứng nhà kính: Theo thống kê, mỗi năm thời trang nhanh thải ra môi trường tới 1.2 tỷ tấn CO2 gia tăng hiệu ứng nhà kính.
- Lãng phí tài nguyên: Mỗi năm có đến 70 triệu cây xanh bị đốn hạ để lấy đất trồng bông hoặc sản xuất vải. Nước sạch dần cạn kiệt, cần đến 2700 lít nước để tạo ra 1 chiếc áo thu, 7000 lít nước để tạo ra một chiếc quần jeans.
- Sợi vi nhựa được sử dụng trong quần áo được thải ra đại dương với khối lượng khoảng 500.000 tấn.
- Theo BBC, ngành công nghiệp thời trang nhanh đang thải ra khoảng 10% khí thải carbon toàn cầu, và 20% nước thải công nghiệp.
Những con số biết nói trên cho thấy môi trường sống của chúng ta sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng nếu chúng ta không có các biện pháp phòng chống kịp thời.
Ảnh hưởng đến người lao động
Không những tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, thời trang nhanh còn được biết đến với các vấn đề về thuê và sử dụng nhân công lao động giá rẻ. Các công ty thời trang nhanh tuyển dụng hàng nghìn nhân viên trong văn phòng, cửa hàng và nhà máy của họ, kiếm được hàng triệu lợi nhuận hàng năm.
Tuy nhiên trong thực tế, những người lao động này thường bị trả lương thấp, làm việc nhiều giờ và phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại được sử dụng trong làm việc. Theo số liệu chúng tôi có được, chỉ có dưới 2% người lao động làm việc trong ngành thời trang được trả lương xứng đáng, trong khi những công nhân khác đang được trả mức lương vô cùng thấp và bị bóc lột trong quá trình làm việc.
Ảnh hưởng đến các loài động vật
Động vật cũng bị ảnh hưởng bởi thời trang nhanh. Trong tự nhiên, khi thuốc nhuộm và vi sợi độc hại thải ra từ quá trình sản xuất quần áo, các sinh vật trên đất liền và dưới biển ăn vào thông qua chuỗi thức ăn hàng ngày và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Không những thế, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như da, lông thú được sử dụng trực tiếp trong thời trang nhanh, sẽ tiếp tay cho nạn săn bắn trái phép động vật quý hiếm và làm giảm số lượng loài.
Giải pháp cho thời trang nhanh: chúng cần phải làm gì?
Thói quen mua “thời trang ăn liền” đang dần dần và từng ngày giết chết Trái Đất của chúng ta và tạo ra rất nhiều các tác động tiêu cực khác. Chúng ta – những người tiêu dùng thông thái cần phải làm gì để cứu môi trường sống của chúng ta khỏi sự diệt vong:
Thay đổi thói quen mua sắm
“Shopping” có thể thú vị nhưng cố gắng cắt giảm việc mua quần áo khi bạn không cần đến chúng là một cách tuyệt vời để bắt đầu từ bỏ thời trang ăn liền vĩnh viễn.
Để tạo ra một chiếc áo phải tốn 2700 lít nước, trong khi nhiều người lại chất đầy tủ quần áo bằng những trang phục chỉ mặc một lần hoặc chưa bao giờ mặc tới . Vì vậy, trước khi mua, hãy tự hỏi liệu bạn có thực sự cần nó hay không?
Mua đồ secondhand – Thúc đẩy lối sống xanh
Nếu việc hạn chế mua sắm fast fashion có thể gây khó khăn cho bạn, hãy thử sử dụng phương pháp nhẹ nhàng hơn đó là mua đồ cũ. Quần áo cũ vừa thỏa mãn được nhu cầu mua sắm vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí đáng kể.
Nếu mỗi người mua một món đồ đã qua sử dụng trong một năm, sẽ tiết kiệm được 449 triệu pound rác thải – tương đương với trọng lượng của một triệu con gấu Bắc Cực.
Sử dụng đồ cũ không chỉ giúp bạn tiết kiệm ngân sách còn mang tính nhân đạo với thiên nhiên, môi trường, góp phần xây dựng lên tương lai xanh cho thế hệ sau.
Ngày nay, thời trang secondhand hay thời trang bền vững đang trở thành cách mua sắm được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ với rất nhiều nền tảng mua sắm dành cho mua đồ cũ, trong đó có Oreka.vn – nền tảng mua sắm kết nối người bán với người mua để giúp các món đồ cũ được tái sinh thêm 1 lần nữa.
Với Oreka, bạn có thể đăng bán quần áo cũ, đồ cũ không dùng đến hoặc mua đồ cũ trên website chúng tôi một cách dễ dàng và tiện lợi.
Đọc thêm: Mua Đồ Cũ Ở Đâu Nhanh Và Chất Lượng
Sửa chữa và tái chế quần áo cũ
Thay vì vứt đi một chiếc áo hoặc quần rách bạn có thể sử dụng lại chúng bằng cách may hoặc vá lại hoặc tạo ra chiếc áo với một phong cách mới. Và nếu bạn sở hữu sự sáng tạo, bạn có thể biến đổi, tái chế những chiếc áo cũ, rách đó thành những phụ kiện hay vật dụng hữu ích như: túi vải, gấu bông, ví…
Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong thói quen mua sắm hoặc cách thức xử lý quần áo là chúng ta đã và đang góp một phần không nhỏ vào quá trình “xanh hóa” ngành công nghiệp thời trang cũng như bảo vệ được hệ sinh thái trên Trái Đất của chúng ta. Yêu thời trang hãy yêu môi trường!
Tiêu dùng các sản phẩm thời trang bền vững
Hiện nay, nhận thức được tầm quan trọng của rác thải thời trang đến môi trường, nhiều thương hiệu đang dần chú trọng hơn vào việc phát triển sản phẩm thời trang bền vững được làm từ các nguyên liệu và quy trình thân thiện với môi trường.
Bên cạnh ý nghĩa bảo vệ môi trường, quần áo được làm từ sợi tự nhiên cũng đến công dụng tuyệt vời cho người mặc.
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ về chủ đề “Fast fashion là gì?” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích và giúp bạn nhận thức rõ hơn về những tác động tiêu cực của thời trang nhanh.
Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.