Du lịch inbound là gì? Inbound tourism có những ưu và nhược điểm gì? Để hiểu hơn về hoạt động du lịch này, mời bạn cùng Oreka tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.
Nội dung
Du lịch inbound là gì?
Du lịch inbound hay inbound tourism tại một quốc gia dùng để chỉ các du khách từ các quốc gia khác đến đây thăm quan và lưu trú trong một thời gian nhất định.
Ví dụ, du khách từ Anh đến Việt Nam du lịch và lưu trú trong 1 tuần được gọi là khách du lịch inbound.
Du lịch inbound thường mang tính thời vụ, khi đó, một số điểm đến sẽ có mùa cao điểm và thấp điểm rõ ràng. Chúng có thể bị phụ thuộc bởi thời tiết, dịp nghỉ lễ, v.v.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 đã tiếp đón hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ được phân bổ như sau:
- Châu Á chiếm 2.3 triệu người tăng 77.8% so với cùng kỳ năm 2023.
- Châu Âu chiếm 426.7 nghìn người tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Châu Mỹ chiếm 202 nghìn người tăng nhẹ 8.4% so với năm trước.
- Châu Úc chiếm 105.5 nghìn người tương 36.5% so với cùng kỳ năm trước.
- Châu Phi chiếm 9.2 nghìn người tăng trưởng 112% với cùng kỳ năm 2023.
Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ là 3 quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam đông nhất, lần lượt là 75.600, 79.100, 79.300 du khách trong hai tháng đầu năm 2024.
Du lịch inbound đóng vai trò như thế nào?
Tình hình du lịch inbound ở Việt Nam như thế nào? Theo Tổng Cục Thống kê, trong tháng 1/2024, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu từ các dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2024 ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng.
Nước ta có lợi thế về các địa điểm du lịch, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế.theo đó, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng liên tục qua từng năm, ngay cả trong bối cảnh cả thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Theo đó, lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2019 tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế… Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc… Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%“.
Qua đây có thể thấy, du lịch inbound đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nói chung của ngành du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Đọc thêm: 10 Lợi Ích Của Việc Đi Du Lịch Chưa Ai Kể Bạn Nghe
Ưu và nhược điểm của của du lịch inbound là gì?
Du lịch inbound có ưu và nhược điểm gì? Cùng Oreka khám phá chi tiết hơn trong phần dưới đây nhé.
Điểm thuận lợi của inbound tourism
- Khách du lịch quốc tế không chỉ đến đông vào dịp cuối tuần hay dịp lễ, mà các ngày thông thường cũng thu hút rất nhiều du khách, bởi để có một chuyến du lịch nước ngoài họ có xu hướng nghỉ phép năm.
- Khi lượng khách du lịch tăng lên cũng đồng thời kéo theo sự phát triển của hàng loạt các dịch vụ kinh doanh thương mại. Đây là cơ hội tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
- Thông thường, du khách quốc tế chi tiêu gấp 3 lần trong mỗi chuyến đi so với khách du lịch nội địa (số liệu của IPS năm 2017 cho thấy).
- Thời gian lưu trú của khách du lịch tại điểm du lịch cũng kéo dài hơn, tạo cơ hội phát triển các dịch vụ ăn uống, giải trí và lưu trú.
- Tạo cơ hội để mọi người từ nhiều nền văn hóa và lãnh thổ cùng kết bạn, giao lưu và chia sẻ văn hóa.
Nhược điểm của việc khai thác quá mức inbound tourism:
- Nguy cơ xảy ra xung đột văn hóa giữa du khách và điểm đến.
- Du lịch inbound có thể bị ảnh hưởng bởi các hãng hàng không. Việc họ dừng hoạt động các chuyến bay đến điểm du lịch có thể cản trở đến sự phát triển của hình thức du lịch này.
Đọc thêm: Cách Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Xu Hướng Du Lịch Xanh
Một số quốc gia có hoạt động inbound tourism phát triển mạnh mẽ
Một vài điểm đến đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của inbound tourism có thể kể đến như:
- Thái Lan: Theo Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (National Economic and Social Development Council – NESDC), năm 2019, ngành du lịch đóng góp 18.4% GDP cho nước này. Theo đó, du khách Trung Quốc chiếm ⅓ lượng khách quốc tế, với khoảng 10.99 triệu lượt.
- Bali: Đây cũng là một địa điểm phụ thuộc lớn vào du lịch inbound. Năm 2018, ghi nhận hơn 5 triệu khách du lịch quốc tế đến hòn đảo xinh đẹp này.
- Maldives: Địa điểm này ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch. Theo Statista 2/2019, lượng khách quốc tế đến quần đảo này tăng 16.8% so với năm trước, với khoảng 168.583 lượt người.
- Tây Ban Nha: Theo số liệu của Statista, năm 2018, quốc gia này đón gần 89.4 triệu lượt khách quốc tế ghé thăm. Năm 2014, Tây Ban Nha dẫn đầu về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Tây Ban Nha nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, và điểm đến du lịch hấp dẫn như Quảng trường Sevilla; Nhà thờ Hồi giáo Córdoba, v.v.
- Pháp: Quốc gia này dẫn đầu thế giới về lượng khách du khách quốc tế ghé thăm hàng năm. Nửa đầu năm 2024, lượng khách quốc tế ghé quốc gia này được dự báo đạt 93% so với cùng kỳ năm 2019. Trong dịp diễn ra Thế vận hội mùa hè và Thế vận hội cho người khuyết tật năm 2024, quốc gia này dự kiến sẽ đón khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế. Trong năm 2024, Paris được dự đoán vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Đọc thêm: 10+ Lưu Ý Khi Đi Du Lịch Một Mình
Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch inbound bền vững
Nước ta có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch inbound, với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, khu di tích lịch sử, v.v. Vậy làm thế nào để phát triển du lịch inbound bền vững? Dưới đây là một vài giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam được tham khảo trong nghiên cứu “Giải pháp phát triển du lịch bền vững Việt Nam” của Thạc sĩ Bùi Thị Như Hiền:
- Đảm bảo sự cân bằng trong phát triển du lịch với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, xúc tiến du lịch, tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
- Xây dựng và truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam tích cực đến với bạn bè quốc tế.
- Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng sẵn có.
- Khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời thay đổi cách làm du lịch chỉ dựa trên những điều kiện sẵn có.
- Chú trọng việc phát triển, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Tăng cường công bảo vệ môi trường, và an toàn tại điểm du lịch.
Tạm kết
Trên đây là một vài chia sẻ về hoạt động du lịch inbound là gì mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin hữu ích về hình thức du lịch này.
Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.