Đa dạng sinh học là gì? Vai trò của tính đa dạng sinh học như thế nào? Thực trạng đa dạng tại Việt Nam và trên thế giới đang diễn ra như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Oreka sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên, và tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này.
Nội dung
Đa dạng sinh học là gì?
Thế nào là đa dạng sinh học? Đa dạng sinh học được hiểu là sự phong phú của nhiều dạng, loài và cá thể của các loài cùng các biến dị di truyền của thế giới động vật, và nhiều dạng của các cấp độ tổ chức sinh giới, nhất là dưới dạng sinh thái ở môi trường trái đất.
Khái niệm đa dạng sinh học cũng đề cập đến mức độ biến đổi trong giới tự nhiên, trong đó sinh vật là đơn vị cấu thành.
Đa dạng sinh học có ý nghĩa gì?
Vai trò của đa dạng sinh học là gì? Đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự sống của mọi sinh vật trong tự nhiên.
Đối với con người
- Cung cấp thức ăn, dược liệu, nguyên nhiên liệu phục vụ các hoạt động sinh sống của con người.
- Hệ thống rừng phòng hộ góp phần hạn chế ảnh hưởng của thiên tai như bão lũ, sạt lở đất, v.v.
- Rừng đóng vai trò như lá phổi xanh của trái đất, giúp lọc không khí.
- Tạo cơ hội cho du lịch và giải trí, mang lại nguồn thu nhập cho con người.
Đối với hệ sinh thái
- Các loài trong hệ sinh thái thường có mối quan hệ tương tác phức tạp, do đó đa dạng sinh học góp phần duy trì sự ổn định và chức năng của hệ sinh thái.
- Sự đa dạng của các loài vi sinh vật, và động thực vật giúp duy trì các chu trình dinh dưỡng như chu trình nitơ và carbon.
- Một lưới thức ăn phong phú và đa dạng giúp duy trì sự sống của loài, đồng thời ngăn cản sự phát triển quá mức của bất kỳ loài nào.
- Nhiều loài côn trùng, chim và động vật khác hỗ trợ hoạt động “sinh sản” của hệ thực vật.
Đọc thêm: Vai Trò Của Tầng Ozon Đối Với Sự Sống
Thực trạng đa dạng sinh học tại Việt Nam và trên thế giới
Trên thế giới
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 1 triệu trong khoảng 8 triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do con người trực tiếp (hoặc gián tiếp) gây ra.
Chủ tịch Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Natureserve – Ông Sean O’brien cho biết “Thiên nhiên vô cùng phức tạp và không phải lúc nào chúng ta cũng biết loài sinh vật nào là quan trọng nhất trong hệ sinh thái. Trong một môi trường sống, khi một số loài bắt đầu tuyệt chủng hoặc bị sụt giảm số lượng, điều đó có thể gây ra sự sụp đổ của toàn bộ môi trường sống”.
Tại Zimbabwe, tình trạng đa dạng sinh học đã liên tục suy giảm trong 30 năm qua do hạn hán, vấn nạn săn bắt và buôn bán động vật/sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép/
Trong báo cáo của Ủy ban liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), gồm hơn 130 quốc gia, về tác động của nền văn minh hiện đại đối với thế giới tự nhiên, báo cáo đã chỉ rõ tốc độ tuyệt chủng của các loài đang gia tăng nhanh chóng, cao gấp từ 10-100 lần so với 10 triệu năm trước. Điều này đẩy Trái Đất đứng trước nguy cơ rơi vào thời kỳ tuyệt chủng lớn nhất, tính từ thời điểm các loài khủng long không cánh biến mất trên hành tinh khoảng 66 triệu năm trước.
Cụ thể:
- 25% trong số đó là động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển
- 41% động vật lưỡng cư
- 19% loài bò sát
- 13% loài chim
- 7% loài cá
- 31% cá đuối và cá mập
- 33% rạn san hô
- 27% động vật giáp xác
- Từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật
Tại Việt Nam
Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, sở hữu nhiều nguồn gen quý hiếm. Mức độ đa dạng sinh học của nước ta xếp thứ 16 trên thế giới.
Theo một thống kê chưa đầy đủ vào năm 2011, nước ta là nơi trú ngụ của 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn (trong đó, 312 loài thú, 840 loài chim, 167 loài ếch nhái, 317 loài bò sát, hơn 7.700 loài côn trùng và nhiều loài động vật không xương sống khác).
Với môi trường nước ngọt có hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt.
Với môi trường biển có hơn 11.000 loài, cụ thể 2.500 loài cá biển, 6.300 loài động vật đáy, 657 loài động vật nổi, 653 loài rong biển, 94 loại thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 5 loài rùa biển và 25 loài thú biển.
Số liệu chưa đầy đủ vì số lượng loài mới được phát hiện mới không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Qua đó cho thấy sự đa dạng của tự nhiên chưa được khám phá hết.
Mặc dù giá trị đa dạng sinh học cao, tuy nhiên vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học là một yêu cầu cấp bách của quốc gia.
Diện tích rừng tự nhiên suy giảm nghiêm trọng
Trong giai đoạn chiến tranh 1943 – 1973, ít nhất 2.2 triệu hecta rừng đã bị ảnh hưởng. Hoạt động săn bắt và khai thác động vật hoang dã phục vụ cuộc sống đã và đang đẩy nhiều loài động vật vào nguy cơ tuyệt chủng.
Hiện nay, hoạt động khai thác rừng tự nhiên quá mức đang gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên, và con người. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270 ha mỗi năm, tuy vậy, trong 4 năm từ 2016-2019, tổng diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283 ha.
Diện tích rừng phòng hộ suy giảm, trong khi đó, diện tích rừng sản xuất đang tăng lên. Điều này làm suy giảm chức năng của rừng phòng hộ, kéo theo mức độ ảnh hưởng của thiên tai đến con người sẽ tăng lên, làm trầm trọng tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo chuyên gia lâm nghiệp – Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, “Rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.”
Sự biến mất của nhiều loài động vật
Môi trường sống thay đổi, hoạt động săn bắt quá mức đã và đang là nguy cơ dẫn đến sự biến mất của nhiều loài động vật. Nhiều loài động vật mới đã biến mất trước khi được giới khoa học tìm thấy.
Chẳng hạn, trong một khu bảo tồn quốc gia dành riêng cho Sao La và các loài động vật quý hiếm khác, đã tìm thấy 23.000 cái bẫy săn bắt vào năm 2015 (số liệu có được gần nhất). Tốc độ đặt thêm bẫy nhanh không kém tốc độ bẫy bị tịch thu.
Trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua, các nhà khoa học xác nhận, các loài động vật như: tê giác hai sừng, lợn voi, cầy rái cá, cá chình Nhật, cá chép gốc, cá lợ thân thấp, hươi sao, cá sấu hoa cà và tê giác một sừng đã chính thức tuyệt chủng tại nước ta.
Hệ quả trong tương lai sẽ còn nghiêm trọng hơn, nếu chúng ta không có biện pháp giải quyết kịp thời và hiệu quả.
Nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học
Trên thế giới
Đâu là nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học trên thế giới? Theo đó, một vài lý do chủ yếu có thể kể đến như:
Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu. Theo thống kê, hiện có khoảng 492 quần thể khác biệt và loài cây di truyền trên toàn thế giới.
Sự suy giảm đa dạng di chuyển có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu bệnh ở một số loài cây nông nghiệp; đẩy các cá thể có cùng mối quan hệ vào tình trạng nguy hiểm; v.v.
Sự xâm chiếm của các loài ngoại lai
Sự xâm chiếm của những loài động vật mới có thể gây tổn hại đến tình trạng đa dạng sinh học hiện tại của khu vực. Chẳng hạn tại Mỹ, tình trạng loài trăn trăn Miến Điện và trăn Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái tại khu vực.
Theo đó, trong vài thập kỷ khi quần thể trăn ngoại lai bùng nổ, số lượng loài động vật có vú nhỏ như thỏ đầm lầy, thỏ đuôi bông và cáo gần như biến mất khỏi Everglades (Florida, Mỹ). Cụ thể, một nghiên cứu vào năm 2012 chỉ ra, số lượng gấu mèo tại khu vực giảm 99,3%, thú opossum giảm 98,9%, linh miêu giảm 87,5% chỉ từ năm 1997.
Các hoạt động của con người
Đây cũng được coi là một nguyên nhân quan trọng tác động mạnh mẽ đến sự suy giảm của các loài động thực vật. Hoạt động săn bắn; phá rừng để trồng trọt, dựng nhà, xây dựng nhà máy; sử dụng thuốc hóa học để tận diệt côn trùng trong nông nghiệp; v.v. Những hành động này đã và đang phần nào gây ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học.
Theo báo cáo quan trọng của Hội đồng khoa học Science Panel for the Amazon (SPA), được công bố vào ngày 14/7/2021, có khoảng 18% diện tích rừng Amazon đã bị tàn phá, trong đó chủ yếu do hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ trái phép. Bên cạnh đó, khoảng 17% diện tích tại đây đang bị suy thoái. Sự tàn phá liên tục của con người đối với rừng Amazon trở thành một trong những nguyên nhân khiến hơn 8.000 loài thực vật đặc hữu và 2.300 loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao.
Tốc độ tuyệt chủng của hàng loạt giống nòi trong quá khứ
Tốc độ tuyệt chủng nhanh chóng và hàng loạt theo chu kỳ lịch sử sự sống trên trái đất cũng là một trong những nguyên nhân gây suy giảm tính đa dạng sinh học.
Khoảng 77% – 96% số loài bị tuyệt chủng vào thế kỉ cuối của 250 triệu năm trước đây. Đa dạng sinh vật ở biển cũng đạt đỉnh khoảng vài triệu năm trước đó.
Biến đổi khí hậu, tác động của tự nhiên
Cháy rừng, bão lũ, hay thiên tai cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng suy giảm tính đa dạng của sinh vật.
Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), các vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon nghiêm trọng trong thời gian qua đẩy 265 loài thực vật và động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. (Dữ liệu năm 2019)
Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, đâu là nguyên nhân chính làm suy giảm tính đa dạng sinh học?
Suy giảm diện tích sống
Dân số tăng nhanh, con người cần nhiều đất hơn để xây dựng nhà cửa, hoạt động sản xuất, v.v. Điều này làm suy giảm môi trường sống của các loài động thực vật.
Thực trạng khai thác quá mức
Tình trạng khai thác quá mức của con người dẫn đến tình trạng nhiều loài động thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ví dụ như, hoạt động đánh bắt cá bằng thiết bị kích điện tại một số địa phương, phương pháp khai thác này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái dưới nước khi cả cá bé, cá lớn, các loài động vật khác cũng đều bị chết.
Ô nhiễm môi trường
Tình trạng ô nhiễm môi trường (nguồn nước, nguồn đất, không khí, v.v.) đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Ví dụ như, việc xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông ngòi dẫn đến các loài động vật dưới nước chết hàng loạt. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng tại các khu công nghiệp, khu làng nghề, hay các khu đô thị lớn.
Cách bảo vệ đa dạng sinh học
Từ những thực trạng kể trên, việc tìm ra hướng giải quyết nhanh chóng và phù hợp rất quan trọng.
Hiện nay, Liên Hợp Quốc đang nỗ lực triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal đã được 196 quốc gia thông qua vào tháng 12 năm ngoái tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học.
Theo đó, các quốc gia cần nhanh chóng biến các cam kết này thành hành động thực tế, cụ thể và hợp tác toàn cầu nhằm tạo ra sự thay đổi thực sự, bởi đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học giống như một trận chiến vô cùng cam go và phức tạp.
Việt Nam là một trong 196 quốc gia tham gia Công ước quốc tế về đa dạng sinh học (gia nhập năm 1994). Theo đó, ngay sau khi trở thành thành viên chính thức, năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động Bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam (Quyết định số 845/ QĐ-TTg ngày 22/12/1995).
Đây là kế hoạch hành động đầu tiên, khởi đầu cho hàng loạt các văn bản có tính chiến lược, kế hoạch, quy hoạch cụ thể, v.v, đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học được ra đời (năm 2008). Tại thời điểm đó, Việt Nam là một trong các quốc gia hiếm hoi trên thế giới ban hành Luật chuyên ngành này.
Dưới đây là một vài gợi ý cụ thể:
- Xây dựng, mở rộng các khu bảo tồn đa dạng sinh học
- Kiểm soát chặt chẽ quá trình biến đổi gen của động thực vật
- Lập phân nhóm, lập danh sách để quản lý theo mức độ nguy cơ của từng loài
- Nhân rộng hoạt động du lịch bền vững, thân thiện với môi trường
- Quản lý chặt chẽ và có hướng xử lý phù hợp các trường hợp phá hủy môi trường sống của động thực vật
- Phương án quản lý hiệu quả hoạt động khai thác động thực vật phù hợp
- Tăng cường nhận thức của mỗi người về việc bảo vệ tính đa dạng của hệ sinh thái
- Giải quyết hài hòa vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững
- Cần nhanh chóng triển khai thực hiện đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường
Bảo vệ đa dạng sinh học – Hà Lan phủ xanh trạm dừng xe bus để làm chỗ trú ẩn cho loài ong
Thành phố Utrecht của Hà Lan đã xanh hóa 316 trạm dừng xe buýt thành nơi trú ẩn cho các loài ong, điều này vừa tạo không gian xanh trong đô thị vừa góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.
Đô thị hóa ngày càng lan rộng làm thu hẹp môi trường sống của các loài ong, đồng thời tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Do đó, đây là một sáng kiến tuyệt vời hiện thực mục tiêu kép, vừa bảo vệ các loài ong vừa góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo đó, thành phố đã trồng hoa và cỏ dại trên mái của các nhà chờ xe buýt nhằm thu hút các loài ong đến hút mật và thụ phấn.
Nhiều người lo ngại rằng, điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ bị ong đốt. Tuy nhiên, theo các nhà môi trường học, các loài ong sẽ bị thu hút hơn bởi những bông hoa trên mái nhà, và chúng rất ít khi chủ động tấn công con người.
Tạm kết
Trên đây là một số chia sẻ về chủ đề “Đa dạng sinh học là gì?” mà Oreka muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn thú vị về chủ đề này.
Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.