BlogMôi TrườngChất Thải Rắn Sinh Hoạt Là Gì? Thực Trạng Và Giải Pháp Xử Lý

Chất Thải Rắn Sinh Hoạt Là Gì? Thực Trạng Và Giải Pháp Xử Lý

Chất thải rắn sinh hoạt là gì? Tại sao cần phải thu gom và xử lý chất thải rắn? Trong bài viết dưới đây, Oreka sẽ giúp bạn hiểu hơn về loại chất thải đặc biệt này, cũng như tầm quan trọng của việc phân loại và xử lý đúng cách.

Chất thải rắn sinh hoạt là gì? 

Chất thải rắn sinh hoạt là rác thải từ hoạt động sinh hoạt của con người ở thể rắn. 

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Khoản 1, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

  • Chất thải thực phẩm: Ví dụ như rau củ quả, thức ăn thừa, v.v.
  • Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chẳng hạn như: giấy vụn, bìa, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh, v.v.
  • Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Tùy theo điều kiện của mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội thực tế.

phân loại chất thải rắn
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt (Nguồn: Getty Images)

Đọc thêm: Bí Quyết Tái Chế Rác Thải Nhựa Hay Ho, Hữu Ích

Tại sao cần phân loại từ nguồn với chất thải rắn sinh hoạt?

Cũng như các loại rác thải khác, nếu không được thu gom, phân loại và xử lý đúng cách, chúng có thể gây ra nhiều hệ quả tiêu cực cho môi trường. Một ví dụ điển hình, nếu bạn vứt bỏ vỏ chai thủy tinh ra ngoài đường, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bởi nếu không may, một người nào đó có thể dẫm phải mảnh vỡ này.

TS. Hoàng Quốc Lâm- Chuyên gia thuộc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại trường THPT Đông Đô và cho các thầy cô giáo trường Mầm non Bình Minh, trường Mầm non Tây Hồ” cho biết, nếu chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại sẽ làm tăng diện tích và số lượng chất thải; gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sinh vật; gây lãng phí tài nguyên.

phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hình ảnh rác thải sinh hoạt vứt lộn xộn không được phân loại
Tại sao cần phân loại rác từ nguồn với chất thải rắn sinh hoạt (Nguồn: Getty Images)

Các loại chất thải rắn sinh hoạt như vỏ chai nhôm, thay vì vứt bừa bãi, người dân có thể thu gom và bán phế liệu. Khi đó, người dân vừa có thể thu lại một phần tiền và vỏ chai được tái chế hiệu quả.

Đọc thêm: 5 Cách Xử Lý Pin Cũ Hiệu Quả – Bạn Đã Biết Chưa?

Thực trạng và giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả hiện nay tại Việt Nam

Thực trạng

Mỗi ngày, nước ta đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khoảng 60% là rác thải đô thị. Mặc dù vật, hơn 70% lượng rác thải này được xử lý bằng phương pháp chôn lập, và dưới 20% được chôn lấp hợp vệ sinh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng trên phạm vi cả nước. Theo đó, năm 2019 tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 64.658 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm hơn 55% (35.624 tấn/ngày), khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày.

Tính đến nay, lượng rác thải rắn sinh hoạt mỗi ngày khoảng 67.877 tấn, khu vực đô thị là 38.143 tấn/ngày và nông thôn là hơn 29.734 tấn/ngày.

Năm 2023, công tác thu gom vận chuyển tại khu vực đô thị đạt 96.6% và nông thôn là 77.69%.

Về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước ta đang có khoảng 1548 cơ sở, trong đó:

  • Cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt: 340 cơ sở;
  • Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn, phân hữu cơ: 30 cơ sở; 
  • Cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt là 1.178 cơ sở, đáng chú ý khi có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Những thách thức trong việc thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt vẫn còn tồn tại, trong đó có thể kể đến như:

  • Chưa triển khai phân loại tại nguồn một cách đồng bộ tại các địa phương.
  • Chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực nông thôn, miền núi.
  • Sự thiếu hụt thiết bị thu gom vận chuyển đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trung chuyển đáp ứng theo quy định. Điều này dẫn đến tình trạng rác thải bị tồn đọng trong thời gian dài gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân địa phương.
  • Công nghệ xử lý rác thải còn hạn chế, chủ yếu là công nghệ chôn lấp chiếm khoảng 76.1% và 75% cơ sở xử lý chất thải rắn đang được Nhà nước hỗ trợ vận hành.

Nhằm giải quyết những vấn đề trên, góp phần nâng cao hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp, chúng ta cần chung tay góp sức vào nỗ lực này.

Giải pháp

Cục Trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường – Hoàng Văn Thức cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó đã quy định: 

  • Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; 
  • Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 
  • Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 
  • Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; 
  • Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành “Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt”.

xử lý chất thải rắn, hình ảnh rác thải điện tử được vứt riêng trong một thùng rác
Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam (Nguồn: Getty Images)

Bên cạnh đó, Bộ cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả theo các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Mặt khác, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đối với mỗi cá nhân, để đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của chất thải rắn sinh hoạt, chúng ta có thể thực hiện một số hành động nhỏ như:

  • Để riêng các loại rác thải sinh hoạt, chẳng hạn như: đồ ăn thừa hoặc rác thực phẩm sẽ bỏ riêng; rác có thể tái chế sẽ được để riêng để đem đi bán phế liệu.
  • Tái sử dụng một cách hiệu quả, nhằm hạn chế thải rác ra môi trường.  
  •  Không vứt rác thải rắn sinh hoạt bừa bãi ra môi trường.
  • Tuyên truyền đến mọi người về trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Đọc thêm: Nguyên Tắc 3R Là Gì? Giải Pháp Thực Hiện 3R Tại Việt Nam

Tạm kết

Trên đây là một số chia sẻ về chủ đề “Chất thải rắn sinh hoạt là gì?” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn thú vị về chủ đề này. 

Nếu bạn có thêm bất kỳ chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé. 

Bài viết có tham khảo thông tin từ: https://nhandan.vn/thuc-hien-tot-viec-quan-ly-phan-loai-rac-chat-thai-ran-sinh-hoat-tai-cong-dong-post825172.html

Nam Lê
Nam Lê
Nam Lê được mọi người đánh giá là một chàng trai trẻ hài hước, nhiệt tình và hay giúp đỡ mọi người. Nam bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ khi còn là sinh viên đại học. Là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nam thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền về môi trường, trồng cây xanh và dọn dẹp rác thải tại nhiều nơi trên khắp Việt Nam. Đến nay, Nam đã hoạt động tích cực vì môi trường hơn 8 năm. Năm 2022, Nam đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Ngoài thời gian tham gia các hoạt động môi trường, Nam viết blog trên Oreka với mục đích chia sẻ những kiến thức cơ bản về môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cũng như những biện pháp hiệu quả để chúng ta giữ gìn môi trường sống quanh mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU
banner sach