Hồi bố mẹ tôi cưới nhau, ông ngoại đã đóng sẵn một cái chạn gỗ làm “của hồi môn” cho mẹ. Kể từ đó, cái chạn gắn liền với cuộc sống làm dâu của mẹ, với tuổi thơ hồn nhiên của chị em tôi.
Mẹ đặt cái chạn ông tặng ngay cửa bếp. Ông chia chạn thành ba ngăn: ngăn thứ nhất mẹ dùng để cất giữ thức ăn, ngăn thứ hai đựng bát đĩa, ngăn thứ ba úp nồi, rổ, rá, rế tre. Ở bốn chân chạn, bố tôi lại đặt một bát nước để kiến, gián…không thể bò lên.
Chẳng chứa gì quan trọng, chỉ có hơn chục bát đĩa, vài chiếc nồi, mấy cái rổ… nhưng đối với hai chị em tôi ngày ấy, cái chạn gỗ đơn sơ ấy luôn là chỗ “hấp dẫn” lạ thường. Ở đấy, mẹ hay để khảu sli, bánh phồng (những món ăn vặt nổi tiếng ở quê tôi) cho đỡ kiến. Chị em tôi hay quanh quẩn quanh đó để lâu lâu lại “nhón” một chút đồ ăn khoái khẩu. Nải chuối hay mấy quả bưởi, ổi, mận vừa hái được ngoài vườn, mẹ cũng để luôn vào đó. Không chỉ là đồ ăn vặt, thức ăn vừa nấu hay ăn xong còn dư mẹ cũng bỏ vào chạn. Còn nhớ mỗi khi tắm sông hay tập xe đạp xong, về nhà bụng đói, tôi lục trong chạn mà thấy còn cơm nguội, tóp mỡ rim cà chua thì lúc đó mừng lắm! Thế là tôi ăn liền cả bát cơm nguội to tướng.
Cuộc sống ngày càng đủ đầy, tiện nghi. Tủ chén, tủ bếp dần ra đời, thay thế những cái chạn bằng tre, gỗ. Chạn gỗ giờ cũng hiếm thấy ở những vùng quê nghèo. Gia đình tôi từ lâu cũng không còn dùng cái chạn đó nữa. Nhưng mỗi khi nghĩ đến, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác thương mến với cái chạn nhỏ ấy.