Tóm tắt bài viết:
Một số loại khoáng sản ở Việt Nam phổ biến có thể kể đến như: Dầu khí, Than đá, Apatit, Đất hiếm, Đá vôi, Quặng Titan, v.v. Tuy nhiên, tốc độ khai thác nhanh chóng, thiếu kiểm soát chặt chẽ, trữ lượng khai thác của một số khoáng sản đang suy giảm nhanh chóng. Cùng tìm hiểu chi tiết về các loại khoáng sản và thực trạng khai thác ở Việt Nam trong bài viết dươi đây.
Việt Nam có những loại khoáng sản nào? Thực trạng khai thác các loại khoáng sản ở Việt Nam như thế nào? Để tìm hiểu về chủ đề này, mời bạn cùng Oreka khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây.
Nội dung
Các loại khoáng sản ở Việt Nam
Nước ta đứng thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên toàn cầu.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 5.000 điểm mỏ, trong đó, một số loại có trữ lượng lớn nhất bao gồm: dầu khí, than đá, đất hiếm, đá vôi, quặng titan, v.v.
Trong phần dưới đây, Oreka sẽ chia sẻ đến bạn các loại khoáng sản phổ biến tại Việt Nam:
Dầu khí
Dầu khí là một trong các loại khoáng sản ở Việt Nam có trữ lượng lớn nhất. Nước ta có vùng biển rộng, khoảng hơn 1 triệu km2, trong đó, hơn một nửa diện tích có tiềm năng khai thác dầu khí. Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 28/52 quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới.
Các khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất tại khu vực biển Trường Sa, biển Nam Sơn, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng, v.v.
Những tấn dầu đầu tiên được khai thác vào ngày 26/06/1986 đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới.
Than đá
Theo Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, trữ lượng than tại nước khoảng 50 tỷ tấn, trong đó, 3.7 tỷ tấn có khả năng khai thác và đang được phân bố ở bể than Đông Bắc và bể than sông Hồng, các mỏ than ở các tỉnh khác có trữ lượng khoảng 400 triệu tấn.
Năm 2022, sản lượng khai thác than đá đạt mức 57 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2021 (theo số liệu của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam). Trong đó, khoảng 70% sản lượng than được sử dụng cho hoạt động sản xuất điện năng, còn lại phục vụ ngành luyện kim, xi măng, hóa chất, v.v.
Apatit
Việt Nam hiện có 17 mỏ, điểm quặng apatit, tập trung chủ yếu tại Lào Cai, trữ lượng dự kiến khoảng 2.373, 97 triệu tấn (tính đến độ sâu 900m).
Apatit là một trong những nguyên liệu quan trọng phục vụ hoạt động sản xuất phân bón. Năm 2022, sản lượng khai thác tại nước ta đạt 15 triệu tấn, tăng 12% so với năm trước.
Đất hiếm
Trữ lượng đất hiếm tại nước ta khoảng 19.96 triệu tấn, hiện đang phân bổ tập trung tại mỏ Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe và Đông Pao (Lai Châu); Mường Hum (Lao Cai); Yên Phú (Yên Bái).
Đất hiếm là một loại khoáng sản có trữ lượng rất ít trên lớp vỏ trái đất, là nguyên liệu để sản xuất các vật dụng như nam châm vĩnh cửu, phân bón vi lượng, đèn cathode.
Mặc dù vậy, trong đất hiếm có chứa nhiều nguyên tố hóa học độc hại, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, quy trình khai thác cần được quản lý hiệu quả.
Đá vôi
Việt Nam là một trong các quốc gia trên thế giới có trữ lượng đá vôi chất lượng cao lớn. Nước ta hiện có hơn 350 mỏ đá vôi, trữ lượng khoảng 47.5 tỷ tấn (274/350 mỏ đá vôi đã được khảo sát). Loại khoáng sản này được phân bổ chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ (4 trung tâm mỏ đá vôi lớn bao gồm Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An và Kiên Giang).
Năm 2022, sản lượng đá vôi được khai thác tại nước ta khoảng 730 triệu tấn tăng 9% so với năm 2021.
Đá vôi được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất xi măng.
Quặng Titan
Quảng Titan ở nước ta có hai loại hình là quặng gốc và quặng sa khoáng. Theo đó, quặng gốc phân bố chủ yếu tại Thái Nguyên, quặng sa khoáng tập trung ở các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Vũng Tàu.
Tổng trữ lượng quặng titan có ích ở Việt Nam 663.15 triệu tấn. (dữ liệu năm 2013).
Một số loại khoáng sản khác
Cát, sỏi là loại khoáng sản phi kim loại quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, v.v. Năm 2022, sản lượng khai thác cát, sỏi của nước ta đạt 1.240 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2021.
Đọc thêm: Nhiên Liệu Hóa Thạch Là Gì?
Thực trạng khai thác khoáng sản tại Việt Nam
Theo số liệu được công bố của Tổng cục Thống kê, sản lượng khai thác khoáng sản nước ta có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây. Năm 2022, sản lượng đạt 2.645 triệu tấn tăng 10.4% so với năm trước.
Mỗi năm ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp cho nền kinh tế 10% GDP, quá ít so với tiềm lực vốn có. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng trung bình 21% mỗi năm. Có thể thấy, hiệu quả của hoạt động khai thác khoáng sản đang chưa thực sự hiệu quả, tồn tại nhiều hạn chế.
Một số số vấn đề tồn đọng của hoạt động khai thác tài nguyên hiện nay có thể kể đến như:
- Tài nguyên thiên nhiên bị lãng phí gây thất thu cho Nhà nước.
- Công tác quản lý yếu kém, và còn nhiều bất cập. Một bất cập khác trong công tác quản lý là hiện tượng nhiều doanh nghiệp cố tình khai thác sau khi hết thời hạn được cấp phép. Điều này có thể liên quan đến mức xử phạt hành chính hiện nay quá thấp với lợi nhuận từ hoạt động khai thác trái phép này.
- Kẽ hở trong cơ chế giám sát hoạt động này, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang khai thác vượt mức cho phép lên đến vài chục, vài trăm phần trăm.
- Mức độ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong khai thác còn hạn chế dẫn đến năng suất còn thấp, chi phí cao.
- Hệ quả từ hoạt động khai thác khoáng sản tràn lan đang gây ra nhiều ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống con người. Nhiều mỏ khai thác ở một số địa phương không xây dựng bãi thải theo quy định, gây bồi lấp dòng chảy, thu hẹp diện tích lâm nghiệp, phát thải nhiều chất thải nguy hại ra môi trường, v.v.
- Nếu phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động khai thác tài nguyên, khi thế giới biến động, nền kinh tế quốc gia dễ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước ta.
Do tốc độ khai thác nhanh chóng, thiếu kiểm soát chặt chẽ, trữ lượng khai thác của một số khoáng sản đang suy giảm nhanh chóng. Theo đó, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện tại, trữ lượng dầu mỏ chỉ đủ khai thác trong 34 năm tiếp theo; khí thiên nhiên đủ khai thác trong 63 năm và than đá chỉ trong 4 năm nữa.
Tìm hiểu: Tài Nguyên Thiên Nhiên Là Gì? Thực Trạng Khai Thác TNTN Hiện Nay
Giải pháp khai thác khoáng sản bền vững
Nhằm giảm thiểu những hạn chế của hiện trạng khai thác khoáng sản tại nước ta hiện nay và nâng cao hiệu suất của hoạt động này, chúng ta cần nhanh chóng những giải pháp cụ thể và hiệu quả. Có thể kể đến một số cách như:
- Thực hiện rà soát và quy hoạch khai thác khoáng sản một cách hợp lý, theo hướng bền vững.
- Tích cực, chủ động phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.
- Nâng cao công tác quản lý khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Ngoài ra, chúng ta cần nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu và phát triển các nguồn nhiên liệu sạch và bền vững nhằm thay thế cho các loại khoáng sản tự nhiên. Điều này giúp đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như góp phần giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường.
Một số câu hỏi thường gặp
Một số mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn ở Việt Nam
Các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn tại Việt Nam có thể kể đến như: than, dầu khí, apatit, đá vôi.
5 mỏ than lộ thiên lớn có công suất trên 2 triệu tấn than nguyên khai/năm bao gồm: Cọc Sáu, Cao Sơn, Hà Tu, Ðèo Nai, Núi Béo.
Các mỏ dầu khí lớn của nước ta có thể kể đến như: mỏ Bạch Hổ; Cụm mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng và Sư Tử Nâu; Mỏ Tê Giác Trắng; Mỏ Lan Tây – Lan Đỏ; Mỏ Rồng Đôi – Rồng Đôi Tây; Mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh; Cụm mỏ Lô PM3-CAA & 46CN.
Tài nguyên khoáng sản nào có giá trị lớn nhất trong vùng Bắc Trung Bộ?
Tài nguyên khoáng sản có giá trị lớn nhất trong vùng Bắc Trung Bộ bao gồm: crôm, thiếc, sắt, đá vôi, sét, đá quý.
Loại khoáng sản kim loại nào có nhiều nhất ở Tây Bắc?
Loại khoáng sản kim loại có nhiều nhất ở Tây Bắc là Đồng và Niken.
Quặng sa khoáng tập trung ở đâu?
Theo đó, Quặng sa khoáng tập trung tại các tỉnh ven biển từ Thanh Hoá vào đến Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khoáng sản bao gồm những gì?
Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở nhiều dạng như thể rắn, thể lỏng, thể khí và tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau như lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.
Tạm kết
Trên đây là một số chia sẻ về chủ đề “Các loại khoáng sản ở Việt Nam” mà Oreka muốn gửi đến bạn. Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp đến bạn nhiều thông tin và góc nhìn thú vị về chủ đề này.
Nếu bạn có thêm bất kỳ câu hỏi hay chia sẻ nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để Oreka và mọi người cùng biết nhé.